Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Du lịch châu Âu phần 4: Nước Nga – Moscow thực và mơ

Đến Moscow lần đầu mà cứ như là trở lại một nơi thân thuộc. Vì bố mẹ đã sống ở đó suốt thời gian tuổi trẻ. Bố mẹ đến Moscow năm 1968… rồi trở về Hà Nội thân yêu, và rồi lâu lâu sau, có một con bé con xíu xiu ra đời, nặng chưa đầy 3kg

Nỗi nhớ niềm thương mảnh đất đã bồi đắp cho hai con người trẻ tuổi ấy dồn vào con oắt, đặt tên nó với nỗi nhớ nước Nga và những con người Nga tốt bụng mãi mãi.
Moscow đón mình và tiễn mình bằng nắng. Thành phố được gọi theo tên con sông Moscow chạy ngang lãnh thổ nước Nga. Chẳng biết có phải vì sông không mà các ga tàu điện ngầm của Moscow cũng giống ở Sankt Petersburg đều sâu hun hút. Không ở đâu ga tàu điện ngầm lại đẹp như ở Moscow, hoành tráng như những cung điện với mái vòm, trang hoàng rất đẹp và… không ga nào giống ga nào. Mỗi ga là một câu chuyện, mỗi ga là một motif trang trí khác nhau.


 
Ga Ruskaia, gần trường đại học Trắc địa và Bản đồ Moscow, nơi đào tạo rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh và các tiến sĩ khoa học cho ngành Trắc địa và Bản đồ Việt Nam

Có lẽ Quảng trường Đỏ là nơi không ai đến với Moscow có thể bỏ qua được.  Đây là nơi tập hợp các công trình kiến trúc đẹp và có ý nghĩa lớn với nước Nga, với thành phố thủ đô. Năm 1991, Quảng trường đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới.



Đứng ở cột mốc 0km thành Moscow. Hầu như ai đi qua đây cũng tung đồng xu qua vai và ước may mắn. Những người nghèo đứng sau nhặt những đồng xu rơi…
Cái cổng nhỏ phía sau những người nghèo khổ đó là Cửa Phục sinh, đi qua nó để vào khu vực gần Lăng Lenin. Những ngày mình ở Moscow là thời gian ở Nga đang chuẩn bị cho lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Đức. Khán đài được lắp ghế với màu cờ Nga đỏ, xanh, trắng.



Mình còn nhớ ông nội kể lần đầu khi ông sang Moscow, ông hỏi bố mình khi đó sách nhạc chất đầy gầm giường: Cậu đã đi viếng lăng Lenin chưa? Con giai ông nội gãi đầu gãi tai: Lăng đấy có cái gì mà vào. Ông nội vò đầu bứt tai... chẳng nhẽ con lớn bằng ấy lại bợp cho một cái. (“Bợp cho một cái” là cụm từ bố hay dọa mình khi mình còn nhỏ.)
Sau lưng mình là tháp Saviour, trước kia chỉ có Sa hoàng và hoàng thân quốc thích được đi qua, và trừ Sa hoàng không ai được đi thẳng chân qua cái cửa đấy hết. (Chính vì thế, đến tận bây giờ lính gác điện Kremli đi cũng… khuỳnh khuỳnh). Cột đồng hồ trên tháp đã hơn 600 năm, mỗi ngày phải lên dây 2 lượt và thành tích nổi bật của nó là đã có một năm làm dân Nga đón giao thừa chậm mất một lúc.
Quảng trường dĩ nhiên là một nơi rộng thênh thang, đi qua cửa Phục sinh nhìn qua bên phải sẽ là bảo tàng lịch sử Nga, điện Kremlin, bên trái là trung tâm thương mại GUM với mặt tiền cũng… “chỉ” vào khoảng 300m, mái vòm và lan can tuyệt đẹp.
Hàng năm vào dịp kỉ niệm chiến thắng phát xít sẽ có diễu binh. Năm 1941, khi thành phố bị quân đội Đức bao vây, Hồng quân đã diễu binh trên quảng trường rồi từ đó ra thẳng chiến trường.
Khu vực hiện nay là quảng trường Đỏ trước đây toàn các công trình xây dựng bằng gỗ nhưng từ thế kỉ 15 đã bị phá bỏ vì sợ bị cháy. Màu sắc gạch đỏ là khởi nguồn của tên quảng trường. Người ta cũng tin rằng chữ quảng trường Đỏ nói đến cái đẹp. Không đẹp sao được với Những nhà thờ như nhà thờ Kazan, nhà thờ thánh Basil (thánh Vasili), hiện nay đã trở thành bảo tàng, cung điện Kremli, bảo tàng lịch sử Nga với hơn 4 triệu hiện vật mà chỉ trưng bày “có” 500.000 món v.v…



Nhà thờ thánh Vasili với kiến trúc củ hành độc đáo. Nhà thờ có 8 cái tháp phụ xoay quanh tháp chính,  con số 8 là con số may mắn trong quan niệm của Chính thống giáo Nga.
 Hiện nay đây trở thành một bảo tàng cho du khách, cũng giống như các nhà thờ trong khu điện Kremlin.
 Xây xong nhà thờ, ông kiến trúc sư bị Sa hoàng chọc mù mắt để không thể xây được một công trình nào như thế nữa. Số phận chung của nhiều kiến trúc sư tài năng.
 Cảnh tượng bản thân mình thấy rất huy hoàng là lúc mây đen kéo đến đầy trời, nhưng nhìn về phía nhà thờ này vẫn thấy màu sắc cực kì rực rỡ.
Và nhà thờ trong đêm (ảnh 93)
Bên ngoài điện Kremli nổi tiếng, cung điện của Sa hoàng thủa xa xưa, dinh tổng thống thời hiện đại là nấm mộ chiến sĩ vô danh và ngọn lửa bất tử. Cờ và mũ làm bằng đồng nhưng trông rất tự nhiên. Đến nay chiến tranh đã đi qua xấp xỉ 60 năm nhưng hoa tưởng niệm vẫn luôn được đặt, vẫn luôn tươi thắm - không chỉ ở quảng trường này mà còn ở khắp mọi nơi ở Moscow có tượng đài kỉ niệm những người dân, những người chiến sĩ và những tướng lĩnh hi sinh vì tổ quốc.



Cổng vào điện Kremlin cho khách thăm quan, tháp St. Nicolas. Trên đỉnh tháp là ngôi sao 2 mặt làm bằng đá Ruby, ở giữa là một lớp Saphire trắng (toàn cung điện không phải chỉ có 1 ngôi sao, mà 6 ngôi sao như thế!)



Bạn mình ở Moscow đã mấy năm, hay lầu bầu “ở Nga chỉ có con gián là bé thôi”, còn bất cứ cái gì cũng thấy hoành tráng, vĩ đại, hoặc chí ít là… to.
Như cái khẩu thần công của Sa hoàng, hay cái chuông đồng to nhất thế giới hiện nay chẳng hạn. Niềm tự hào của người Nga về công nghệ đúc của họ.
Mình so với người Việt thuộc dạng… to kềnh càng nên phải đứng ghé với cái mảnh vỡ nặng 11 tấn kia để tiện so sánh. Chuông của Nga hoàng cao hơn 6m, đường kính 6.6, nặng hơn 200 tấn. Trong quan niệm của Chính thống giáo thuở xưa (thế kỉ 10) thì chuông gõ lên là để báo tin đám ma, lễ trọng, cháy hay là bị quân địch tấn công. “Lỗi” nhất ở cái chuông này là… chưa bao giờ kêu lên được.
Có tới Moscow mới biết hóa ra ngày xưa cụ Lenin cũng phong thủy phết. Tài liệu để lại cho thấy xưa kia cụ chọn chỗ ngồi làm việc (hiện nay các tổng thống Nga cũng làm việc ở phòng này) ở nơi mà “thầy địa lí” chọn để cụ có được sức khỏe và trí tuệ sung mãn. Nghe đồn, khi nào phủ tổng thống có cắm cờ Nga nghĩa là tổng thống đang “có nhà”, còn không, đang bôn tẩu trên giang hồ rồi.
Lịch sử của các thành phố quan trọng đều gắn liền với những cuộc chiến đấu gìn giữ nó với biết bao nhiêu hy sinh và mất mát. Quảng trường công viên Chiến thắng ở Moscow là một nơi ghi dấu những ước vọng và sự quả cảm của người Nga trong việc bảo vệ đất nước.
Quảng trường Công viên Chiến thắng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỉ trước, để tưởng niệm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
 Quảng trường rộng thênh thang, ghi dấu những mốc thời gian trong chiến tranh. Tượng đài mang ý nghĩa lớn hộ vệ cho nước Nga với thiện thần, thánh giết rồng... Không một ai có thể hủy hoại nước Nga cao 141,8 met, mỗi 10cm biểu thị 1 ngày trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Nga.

Mình rất thích đi chơi vào lúc thành phố lên đèn, mặc dù một người bạn của mình đã từng học ở Hàn Quốc và sống ở Phần Lan chia sẻ “Em sợ nhất khoảng thời gian này vì nếu đi một mình trên xe bus nó sẽ gợi mình nhớ nhà và cô đơn kinh khủng.”
Hoàng hôn trên sông Moscow, trên đường đi đến trường đại học tổng hợp Lomonosov trên đồi chim sẻ. Chụp vội khi đang đi trên tàu điện.

         Sau chiến tranh, để kỷ niệm 800 năm thành phố Moskva, Stalin ra lệnh xây Bảy tòa nhà khổng lồ kiểu bán cổ điển xung quanh thành phố. Tòa nhà chính của trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên M.V. Lomonosov (người Việt hay gọi tắt là MGU) là tòa nhà lớn nhất. Nó cũng là tòa nhà cao nhất trên thế giới bên ngoài thành phố New York vào lúc đó, và nó vẫn là tòa nhà cao nhất châu Âu cho đến năm 1988. Tòa nhà trung tâm cao 240 m với 36 tầng, được củng cố hai bên sườn là bốn chái (cánh), gồm các ký túc xá cho sinh viên và giảng viên. Nó chứa tổng cộng 33 kilômét đường hành lang và 5.000 phòng. Các trang thiết bị bên trong tòa nhà bao gồm một phòng hòa nhạc, một rạp hát, bảo tàng địa chất, các dịch vụ quản lý khác nhau, các thư viện, hệ thống bể bơi dưới tầng ngầm, trạm cảnh sát, bưu điện, hệ thống dịch vụ cho sinh viên như tiệm giặt, tiệm cắt tóc, các căng tin, các trụ sở ngân hàng, các quầy hàng, các quầy ăn tự phục vụ, một nơi tránh bom, v.v.



Trong khuôn viên trường cũng có một ngọn lửa bất tử, tưởng niệm những giáo sư, sinh viên đã hi sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Trường đại học quốc gia Moscow thành lập năm 1755 (và hiện nay vẫn còn có thang máy bằng gỗ cổ lỗ sĩ)
 Có hơn 40 ngàn sinh viên cao học và nghiên cứu sinh, khoảng 70 ngàn sinh viên, 5000 nhà khoa học làm nghiên cứu ngắn hạn /trao đổi. Hơn 6000 giáo sư và giảng viên, 5000 nhà nghiên cứu làm việc trong các khoa và viện nghiên cứu. Hàng năm khoảng 4000 sinh viên quốc tế và sinh viên sau đại học trên thế giớii đăng kí vào trường này.
 Campus của trường cực kì hoàn chỉnh, với 1 triệu mét vuông sàn và 1000 tòa nhà (một ngàn nhé!). Trường có 8 kí túc xá cho hơn 12 ngàn sinh viên.
 Hệ thống thư viện trường là một trong những thư viện lớn nhất của Nga, với 9 triệu cuốn sách (2 triệu bằng tiếng nước ngoài) và trung bình hàng năm khoảng 55 ngàn độc giả sử dụng hơn 5,5 triệu cuốn sách.



Khi mình gọi điện cho mẹ để khoe rối rít mẹ ơi con đi Nga mẹ ạ (bố thì dĩ nhiên biết từ khi mình manh nha), mẹ dặn “Bé đi Nga đừng đi chơi đêm con nhé! Nhỡ đâu nguy hiểm.”
 Từ ngày mẹ học xong về nước mẹ chỉ quay lại Nga một lần và bỏ qua rất nhiều cơ hội khác vì thương hai chị em. Có lần mẹ đi rồi bỏ về, mẹ bảo ngồi trên máy bay cứ nhớ đến hình ảnh thằng em ôm mặt mẹ nói: Mẹ ơi mẹ đừng đi Liên Xô nhé, đi Liên Xô tán nhắm! (chán lắm)"
 Bé không nghe lời mẹ  Nhiều lần. Ví dụ lần này bé đi chơi đêm đến khi chuyến tàu điện ngầm gần cuối sẽ chạy.
 Trong những lí do để đi học và phải học tốt, đấy là viết tiếp ước mơ của bố mẹ...



Vì thế, một trong những mong muốn háo hức khi đến với Moscow là đến trường Đại học Mỏ Moscow, MGI, bây giờ là trường MGGU, nơi bố đã học.
 Bạn mình không muốn dẫn mình đến đó vào thứ 7 chủ nhật mà nhất định dành đến sáng thứ 2, chỉ vì "như thế mày mới vào được trường", dù trưa thứ 2 là mình phải ra sân bay.



Ngang tầng 4 có 8 ông thợ mỏ đứng tạo dáng trên 8 đỉnh cột (số 8 may mắn). Họ đã đứng ở đó gần 1 thế kỉ. MGI được thành lập năm 1918, lúc đầu 8 bác thợ lò đứng trên nóc nhà, về sau người ta xây thêm 2 tầng nữa nên các bác đành… lơ lửng. Trường mỏ Moscow đã đào tạo rất rất nhiều thế hệ kĩ sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học cho ngành mỏ Việt Nam. Mỗi khoa của trường nằm gọn trên một tầng, gồm cả các phòng làm việc và phòng học. Phòng học nhỏ, ấm cúng, thầy trò giao tiếp với nhau tốt. Cách âm tốt nên các lớp học có thể tan các giờ khác nhau nhưng không ảnh hưởng đến nhau nhiều.
Đến trường của bố, mình rất bồi hồi. Bố, thầy, đồng nghiệp ở cơ quan… đều có những người đã và đang học ở đây. Ngôi trường xa lạ bỗng trở nên thân thiết. Đi qua cổng, qua những dãy hành lang hun hút, tới nhà ăn… mình đều tự hỏi bố đã đi qua nơi này biết bao nhiêu lần, bao lần trốn học đi chơi, bao lần ngồi thi vấn đáp… Không có thời gian đến kí túc xá của bố để tưởng tượng những lần bố ngồi trên lan can chơi guitar tán các cô bạn học.
Và sân trường, ở đài tưởng niệm các liệt sĩ, bậc thềm trải đầy hoa cẩm chướng đỏ thắm tươi.



Và mình đã tạm biệt nước Nga thân yêu của lòng mình, tạm biệt đất nước vĩ đại, đất nước của tình yêu và nỗi nhớ đã xa với mong ước sẽ được quay trở lại.