Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Du học không phải là thiên đường


Lựa chọn  (nguồn Internet)
 
"Đi Tây sướng thế còn gì!", "Đi du học thích thật, được đi du lịch nhiều nơi, biết đây biết đó.", v.v. - đấy là những cái mác người ta vẫn gán cho dân du học sinh. Rằng đi học nước ngoài là hưởng thụ, là ăn chơi, là mua sắm đồ xịn, là du lịch đây đó, là thoải mái tung hoành mà không ai quản lý, là khi trở về sẽ có một tương lai tươi sáng. Nếu bạn đã quyết tâm xách hành lý lên để theo con đường du học "trải đầy hoa hồng", thì cũng nên chuẩn bị tâm lý và xác định rõ ràng, mình có đủ sức chịu đựng để bước qua cả gai hoa hồng trên con đường tưởng chừng như mềm mượt ấy hay không.

Bài viết không mang mục đích làm thui chột quyết tâm cao độ của các bạn đang có ý định du học. Mình chỉ muốn mang đến cho các bạn một cái nhìn chính xác hơn về cuộc sống "đích thực" của du học sinh.

Điều đầu tiên, không cần nói mà ai cũng biết, là xa gia đình. Đừng nghĩ ở lâu rồi dần dần sẽ quen. Mình cũng thường tự nhủ như thế, và có lẽ cũng đúng như thế thật. Nhưng cứ đến khi áp lực học hành, ốm đau, hoặc đơn giản chỉ cần nhìn cảnh hai mẹ con người Đức đi trên đường dắt tay nhau thôi, đã đủ cho mình day dứt cả tuần vì nhớ nhà, muốn mua vé bay ngay về Việt Nam rồi. Nhiều khi muốn gọi về cho bố mẹ để xoa dịu nỗi nhớ, nhưng cũng phải chọn lúc tỉnh táo mà gọi. Đang ốm, đang nhớ nhà, gọi về lại sợ bố mẹ lo thêm. Nỗi nhớ vì thế lại càng nhân lên.
Ước mơ du học (nguồn Internet)
 
Điều thứ hai, du học là tự túc. Tự lập thì nghe hơi hoành tráng quá! Thế nào là tự túc? Trước hết phải bạn tự xác định mình muốn gì, mình cần gì và mình sẽ làm thế nào để đạt được điều mình muốn. Hãy tập thói quen tự mình giúp mình trước khi đợi người khác giúp. Nếu như bạn vẫn tìm đến sự giúp đỡ chỉ để hỏi "Em nên học ngành gì?", "Hồ sơ xin Visa cần những gì hả các anh chị?", "Em cần những yêu cầu gì để được học ở trường Đại Học bên Đức?", thì hãy suy nghĩ lại việc mình có nên đi du học hay không. Bởi vì thứ nhất, đó là những thông tin cực kỳ đơn giản, không hề khó tìm. Nếu bạn chịu khó ngồi một buổi tối đọc hết trang web của DAAD hay của Đại sứ quán Đức, có khi bạn đã đủ khả năng đi tư vấn du học ở mức cơ bản cho các bạn khác rồi. Thứ hai, việc học của bạn, sở thích của bạn mà bạn còn không biết, thì ai có thể trả lời được? Giả sử nếu có sang được đến nơi, học theo ngành mà bạn được mọi người tư vấn, nhưng bạn không hề thích, liệu bạn có đủ đam mê để theo đuổi nó đến cùng không?

Như đã nói, đấy mới chỉ là mức độ tự túc đơn giản nhất. Bước đầu sang, bạn nào may mắn có gia đình còn đỡ được phần nào. Ngược lại những bạn chỉ có một thân một mình như mình, đã từng muốn quay ngay ra sân bay lao về Việt Nam  ngay đặt chân đến cái phòng thuê. Các bạn cứ tưởng tượng đơn giản thế này: Sau gần 20 tiếng bay, vẫn còn háo hức với cuộc sống mới, nhà cửa đẹp đẽ, thành phố hiện đại, thì bước chân vào phòng, đồ đạc gọi là có nhưng chăn, ga, gối, đệm thì không, giường ngủ xập xệ, phòng lạnh lẽo trống hoác, mệt mỏi, đồ ăn chưa kịp mua (vì mới sang, lơ ngơ, biết gì mà mua?), và quan trọng nhất, cái khóa cửa phòng bị hỏng. Lúc đấy suy nghĩ duy nhất trong đầu mình là lôi áo khoác ra, đắp đi ngủ tạm, nhịn ăn một bữa rồi sáng mai đi mua đồ sau, và kèm theo sợ hãi, không biết đêm nay phòng không có khóa thì có xảy ra việc gì không, có ai vào nhà không. Đừng chủ quan là ở Đức an ninh đảm bảo nhé, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đấy là mình vẫn còn may mắn chán, nhiều bạn còn trục trặc vấn đề nhà cửa, gặp phải người xấu, bị lừa, phải lang thang, vật vạ mãi, rồi cũng may có sự giúp đỡ của cộng đồng sinh viên Việt Nam mới dần ổn định. Đừng nghĩ mọi việc luôn suôn sẻ như mình tính toán.

Sau đấy là đến khoản giấy tờ, bảo hiểm, ngân hàng, gia hạn Visa, nhập học. Tất cả đều phải tự túc. Kể cả với vốn tiếng ít ỏi, cũng phải cố căng tai ra mà nghe, cố khua chân múa tay mà giải thích cho người ta hiểu mình muốn gì. Bản thân mình trước khi sang cũng tự hào với vốn tiếng Đức (tuy ít ỏi) của mình, cộng thêm đã được bố mẹ rèn giũa việc tự quản lý chi tiêu từ bé, nhưng sang đến nơi mới biết, cái vốn ít ỏi đấy vẫn chẳng thấm vào đâu.

Tiếp thep là trường lớp. Trước tiên mình muốn đề cập đến vấn đề bạn bè. Trung bình sinh viên Việt Nam cần từ nửa năm đến một năm hòa nhập với bạn Đức. Bản thân mình ban đầu cũng lủi thủi đi về một mình, ăn một mình, ngồi học một mình. Nhìn bạn bè vui vẻ, đi có nhóm, có cặp, thấy tủi thân kinh khủng. Sau đấy mình quyết tâm cao độ phải thay đổi, cứ lăn xả vào bọn Đức để mà làm quen, nên cũng chỉ mất 2 tuần đến 1 tháng là đã được bạn bè quý mến và hòa nhập rất nhanh. Nhưng đừng tưởng thế mà đã vội mừng. Đấy chỉ là vẻ bề ngoài thôi. Đến khi thân nhau mới thấm dần cảm giác bất lực. Nó nói mình không hiểu, mình muốn đùa vui với nó cũng chẳng biết làm thế nào. Nói vấn đề đơn giản còn tạm được, chứ nhắc đến cái gì hơi phức tạp là đã loạn lên rồi. Ở nhà dù tiếng với ngữ pháp có chắc đến đâu, xem phim, xem thời sự có hiểu thế nào, sang đến đây gặp cuộc sống thật, ngôn ngữ thường ngày mới thực sự là choáng. Ngôn ngữ trên sách vở mới chỉ là khung xương cơ bản thôi. Để đủ dùng, sinh sống và học tập, bạn còn phải mất nhiều thời gian mà đắp thêm thịt vào khung xương đấy nữa. Đấy là chưa kể ban đầu, nhiều bạn còn ngại nói, cứ im như thóc, dần dần các nhóm thân nhau bắt đầu cố định, cơ hội để tìm được bạn bè gần như là không có. Học Fachhochschule còn đỡ, vì lớp vắng, hoặc học nhóm nhỏ. Còn nếu học Uni, thì phải xác định là một lớp vài trăm sinh viên, đến bọn Đức tìm bạn còn khó chứ đừng nói đến sinh viên Việt mình. Nếu không có bạn bè, thì cũng rất vất vả mới ra được khỏi trường. Thứ nhất, cô đơn. Thứ hai, không có ai hỗ trợ trong việc học.

Về việc học, cần xác định rằng nếu ngay từ bước làm hồ sơ mà bạn không tự mình đọc nổi những yêu cầu cơ bản của trường, thủ tục và điều kiện để đi Đức, v.v. thì tốt nhất bạn đừng nên đi. Học ở đây đa số là tự học, các thầy cô hiếm khi quan tâm như giáo viên ở nhà mình. Nhiều khi thầy giảng trên lớp không hiểu, về nhà phải tự tìm tài liệu mà đọc thêm. Chưa kể khi viết bài, việc đọc là rất quan trọng. Đọc sách, đọc tài liệu, lọc thông tin, v.v. Việc tự tìm hiểu về làm hồ sơ cũng là bước đệm để bạn làm quen với việc tự tra cứu, tìm hiểu và chọn lọc thông tin cho việc học sau này tại các trường Đại học. Ngoài thi cử là một áp lực lớn với sinh viên nước ngoài, thì việc viết bài cũng là một cơn ác mộng. Không phải cứ thích là đặt bút viết được. Để viết được vài trang giấy thôi, có khi bạn cũng phải lọc thông tin từ gần chục quyển sách mới ra được (Tất nhiên còn tùy môn, tùy ngành). Vấn đề cơ bản nhất cũng vẫn là ngôn ngữ. Đôi khi bạn hiểu vấn đề nhanh, hoặc bạn có kiến thức về vấn đề đấy, nhưng bạn không thể diễn tả được mình suy nghĩ gì. Cảm giác rất ức chế, vì thực tế, đầu óc mình không thua kém bọn bạn, nhưng mình không thể chứng minh được điều ấy. Nhất là trong các buổi thảo luận, những cái mình nói ra mới được tính điểm. Sinh viên nước ngoài đa số bị mất điểm này, vì dù có nhanh đến mấy cũng không thể phản xạ nhanh được bằng sinh viên bản xứ, đặc biệt là những vấn đề về thời sự, xã hội. Mình không phủ nhận là sinh viên Việt Nam khá giỏi, đôi khi hiểu vấn đề và giải quyết vấn đề rất nhanh, nhưng diễn đạt cho người khác hiểu hay không lại là một rào cản lớn với bọn mình.
 
Một lưu ý quan trọng nữa cho các bạn trước khi sang: phải thực sự quyết tâm trong việc học. Bạn nào đi học theo dạng khóa học tiếng DSH hoặc Studienkolleg trước khi vào Đại học, phải đáp ứng điều kiện hoàn tất khóa học trước 2 năm. Nếu trong khoảng thời gian đó mà vẫn chưa hoàn thành, bạn sẽ phải quay về Việt Nam. Với trường hợp học Đại học, nếu 1 môn thi 3 lần không đỗ, bạn sẽ không được phép học tiếp ngành đó nữa, cho dù bạn có chuyển sang trường bất kỳ trường nào trên nước Đức. Tương tự với việc chuyển trường, bạn chỉ được chuyển tối đa hai lần, và chuyển ngành tối đa một lần. Vì vậy việc xác định rõ ngành mình muốn học, và theo đuổi ngành đó đến cùng là một việc hết sức quan trọng với bản thân mình.

Việc làm thêm  là chủ đề lớn tiếp theo của đa phần du học sinh. Một khó khăn nhãn tiền có thể chỉ ra ngay: mình là người nước ngoài, khi đi xin việc sẽ không được ưu tiên như sinh viên bản xứ. Lý do: ngôn ngữ chưa thành thạo, không chịu đựng nổi áp lực công việc, sức khỏe yếu hơn bọn Đức, và rất nhiều lý do khác. Kể cả khi bạn đã nhận được một công việc, cũng chưa chắc đã thực sự tốt. Có những khi mình phải làm việc liên tục 10 tiếng một ngày, thậm chí còn hơn. Chân tay bải hoải, mắt díu cả vào, nhưng vẫn cố cho xong. Có những lúc đông khách, phải bê một lúc 3, 4 cái đĩa, mà đĩa "Tây" to và nặng thì khỏi bàn. Hoặc khi vắng khách, hay thiếu người, cũng phải chui vào bếp mà ngồi rửa bát. Hay có bạn phải làm việc liên tục trong xưởng gà, xưởng cá, cắt thịt, đóng gói trong phòng khá là lạnh. Không ít bạn ở nhà là hoàng tử, công chúa của bố mẹ. Sang đến đây cũng phải lăn vào công việc như, ai cũng như nhau hết. Trừ khi gia đình bạn cực kỳ khác giả, bố mẹ đủ điều kiện lo cho con ăn học trong vài năm, hoặc bạn đi sang theo diện học bổng (thường chỉ có học bổng thạc sĩ, hoặc tiến sĩ). Điều lưu ý tiếp theo, là việc sắp xếp thời gian đi làm và học sao cho hợp lý. Nhiều khi thừa thời gian để học, nhưng vì cả ngày làm việc mệt mỏi, lại không tập trung học được. Việc học vì thế mà bị ỳ trệ.

 
Điều cuối cùng: "Du học trở về là ăn đứt "bọn ở nhà", mình sẽ có một tương lai tươi sáng" - Suy nghĩ này vừa đúng vừa sai. Càng ngày sinh viên du học càng nhiều, mà đi học nước ngoài về vẫn thất nghiệp (hoặc tìm được việc làm không ưng ý) cũng không phải là ít. Bản thân chữ "Du học" không thực sự làm bạn có giá trị hơn trong hồ sơ xin việc, nếu có chăng, thì đó là thành quả của quá trình trải nghiệm tại nước ngoài của bạn - bạn đã học được gì và thu lại được gì trong khoảng thời gian du học ấy.

Trên đây chỉ là một vài lưu ý nhỏ được rút ra từ kinh nghiệm bản thân mình. Qua đó, mình hy vọng mang đến cho các bạn có một cái nhìn hoàn thiện hơn về việc học tập tại nước ngoài nói chung và tại Đức nói riêng. Đừng để tới lúc chạm tay tới ước mơ, cũng là lúc bạn hối hận: "Nếu biết du học khổ thế này, thà mình ở nhà học cho xong!"

"Tôi đi trên con đường quen thuộc sau một ngày mệt mỏi và thực sự stress ... tất cả những gì có xung quanh tôi là những ánh đèn đường ... và mưa" - là hình ảnh quen thuộc với các bạn làm thêm về đêm muộn. Ảnh: Jaykrig, từ "A little Germany"
 

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Du-hoc-Duc/Du-hoc-khong-phai-la-thien-duong-15631.html

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

BnF- Báo cáo hoạt động 3 tháng- lần 1

Vào những ngày cuối tháng 5, chương trình BnF đã có chuyến thực địa tặng sách các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Phiêng Pằn, Sơn La. Ngay sau đó, với sự trợ giúp của các bạn tình nguyện viên trường Đại học Bách Khoa- Hà Nội, chương trình đã thu gom và phân loại thành công sách truyện do các em học sinh trường tiểu học Nam Thành Công dành tặng.

Thành viên BnF chụp ảnh kỷ niệm với cô Hương (đứng ngoài cùng bên trái) -hiệu phó trường tiểu học Nam Thành Công, cô Tâm (đứng thứ 2 từ trái qua)- phụ trách Đội và các bạn tình nguyện viên trường Đại học Bách Khoa- Hà Nội (ảnh: Nguyễn Trọng Huấn)

Bên cạnh đó, thầy trò trường Nam Thành Công còn tặng rất nhiều sách truyện từ thư viện nhà trường cho chương trình. Số sách giáo khoa, sách tham khảo và sách truyện thu gom này sẽ dành tặng cho các em học sinh của hai trường tiểu học Tiên Động và Phương Kỵ, Hải Dương trước thềm năm học mới. Chúng tôi cũng rất vui khi được thầy giáo Hoàng Trọng Hảo liên hệ và tặng rất nhiều báo Toán học tuổi thơ cho chương trình. Các bạn tình nguyện viên của trường Đại học Y- Hà Nội đã nhanh chóng giúp chương trình phân loại số báo này.

Báo Toán học Tuổi thơ do thầy Hảo Hoàng Trọng tặng cho BnF sau khi đã được phân loại và sắp xếp theo số phát hành. Phía sau là sách do trường tiểu học Nam Thành Công tặng. Tất cả đang chuẩn bị đến với các em học sinh trước năm học mới. (ảnh: Nguyễn Trọng Huấn)

Đại diện của chương trình rất vinh dự khi được mới tới tham dự buổi lễ tổng kết năm học của thầy trò trường phổ thông liên cấp Olympia vào tối ngày 24.5.2013. Tại đây, đại diện của chương trình đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với cô Bùi Thanh Hà, phó hiệu trưởng nhà trường. Trường Olympia rất nhiệt tình ủng hộ và đồng ý hợp tác với chương trình trong việc quyên góp sách truyện cũ của học sinh nhà trường. Chúng tôi rất vui mừng khi biết nhà trường còn ưu ái dành tặng 120 bộ sách giáo khoa mới cho 120 em học sinh nghèo vượt khó của trường PTCS Chuyên Nguyễn Đức Cảnh- Thái Thụy- Thái Bình.

Học sinh lớp 12 trường Olympia trong ngày lễ tốt nghiệp (ảnh: The Olympia School)

Trong hai ngày 20-21 tháng 6, thành viên của chương trình đã bán thiệp 3D gây quỹ cho chương trình tại Viện nghiên cứu Khoa học Trái đất- Potsdam- CHLB Đức. Thông tin về chương trình cũng như việc bán thiệp gây quỹ tiếp tục được thực hiện tại sự kiện "Ngẫu hứng Potsdam" do Hội lưu học sinh Berlin- Potsdam tổ chức vào ngày 22.6.2013. Ngay sau khi hoạt động gây quỹ này được thực hiện, có nhiều bạn ở Heidenberg, Freiburg, Wuppertal… đã liên hệ với chúng tôi bày tỏ mong muốn được giúp chương trình bằng việc trực tiếp mua thiệp hoặc giúp bán thiệp tại nơi các bạn đang sinh sống. Tính đến nay, chương trình đã nhận được số tiền là 10.842.520 VNĐ và 963 Euro từ các thành viên, các nhà tài trợ và từ các hoạt động gây quỹ. Trong đó, 7.430.000 VNĐ và 50 Euro đã được dùng cho chi phí thực địa Sơn La, vận chuyển/ thu gom sách tại Nam Thành Công và mua thiệp 3D để bán hàng gây quỹ.


Sau đây là danh sách các nhà tài trợ và thông tin tài chính (tổng thu) của chương trình BnF từ ngày 24.4.2013 đến ngày 30.7.2013

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của tất cả các bạn! Xin cảm ơn sự hợp tác từ phía thày trò trường tiểu học Nam Thành Công và trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội. Cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía các bạn tình nguyện viên của trường Đại học Bách Khoa, Đại học Y Hà Nội! Chúng tôi luôn mong được đón nhận sự quan tâm và ủng hộ của tất cả quý vị và các bạn!

Tài khoản tiếp nhận tại CHLB Đức
Đỗ Thị Chính
Trưởng ban tài chính - Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Chủ tài khoản: Thi Chinh Do
Số tài khoản: 3252103
Ngân hàng: Deutsche Bank Brandenburg
BLZ: 120 700 24
IBAN: DE03120700240325210300
SWIFT: DEUTDEDB160

Thông tin tài khoản tiếp nhận tại Việt Nam
Phạm Thu Hà
Số tài khoản: 15010000357198
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN chi nhánh Bắc Hà Nội.

Làm ơn thêm ghi chú khi chuyển khoản: Tên người ủng hộ- For BnF


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Sach-va-nhung-nguoi-ban/BnF-Bao-cao-hoat-dong-tu-thang-5-den-thang-7-2013-15632.html

Sắc màu Hội An rực sáng xứ sở cổ tích

Từ này 26 đến ngày 28.7.2013 vừa qua, hai thành phố di sản của UNESCO với nhiều nét tương đồng đã kết hợp với nhau, mang đến cho khách du lịch cũng như người dân bản xứ  cái nhìn độc đáo về văn hóa Hội An, Việt Nam giữa không gian của Wernigerode, Đức, trong "Lễ hội đèn lồng Hội An - Lampionfest". (Xem thêm chi tiết về chương trình, lịch trình tại đây )

Trong hai ngày hội, chúng tôi, những sinh viên Việt Nam từ khắp mọi miền nước Đức đã tụ hội tại thành phố xinh xắn này. Không chỉ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà ngọt như kẹo trong truyện cổ tích, hay để ngắm vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của lâu đài Wernigerode, hơn cả thế, các bạn sinh viên đến đây, như thể tìm con đường ngắn hơn về với quê hương mình.

Tối ngày 26.7.2013, chương trình được khai mạc, mặc dù thời tiết không ủng hộ lòng người với bầu trời u ám. Bước chân xuống cổng nhà ga chính, chúng tôi cảm thấy thành phố yên ắng lạ thường. Đoàn sinh viên chúng tôi gồm 7 người cùng nhau tiến gần vào trung tâm thị trấn. Dù thời tiết có ảm đạm, nhưng vẻ đẹp của Wernigerode khiến tôi cứ ngỡ mình đang thực sự lạc vào khu vườn thần tiên rực rỡ sắc màu.
Góc phố nhỏ ở Wernigerode - Ảnh Hoàng Duy
 
Từ nhà ga đi sâu vào khoảng 1km, chúng tôi đã bắt gặp những dây đèn lồng Hội An đầu tiên treo trên con phố chính dẫn vào quảng trường trung tâm thị trấn. Đường phố bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, tuy vẫn còn thưa thớt người bởi cơn mưa dần nặng hạt. Chương trình bắt đầu với màn múa hát của các bạn nữ sinh thế hệ người Việt thứ hai tại Đức trong tà áo dài duyên dáng. Dưới cơn mưa nặng hạt, đoàn Việt Nam vẫn nhiệt tình biểu diễn với sự cổ vũ của khán giả, tuy nhiên, chương trình vẫn phải kết thúc sớm hơn dự kiến.
Các tiết mục văn nghệ vẫn được biểu diễn bất chấp mưa gió - Ảnh Hoàng Duy
 
Sau khi vào một quán cà phê nhỏ trú mưa, chúng tôi đón thêm 2 bạn nữa và trở về nơi nghỉ đã được các cô chú người Việt tại Wernigerode chu đáo chuẩn bị trước cho cả đoàn. Đồng hồ đã điểm 23h30. Về đến khu nhà nghỉ, cả đoàn thay đồ, ăn uống. Các "chị cả" của đoàn đã chuẩn bị sẵn nào sushi, nem chua, rồi cả măng cụt, toàn đồ "sơn hào hải vị" ở xứ người. Ngồi sát lại gần nhau, câu chuyện của chúng tôi dần rôm rả hẳn lên. Sau đấy mọi người lấy đồ nghề ra làm đèn lồng, từ hoa đào, hoa cúc, cho đến gấu, cá, Minion từ từ xuất hiện lên trên những cây đèn, rực rỡ không kém đèn lồng Hội An chính thống. 



 
Là người mới lần đầu tham gia, nhưng tôi cũng nhanh chóng hòa cùng nhịp câu chuyện với các anh chị, từ những câu chuyện tếu táo cười thắt ruột, đến những từ ngữ "chuyên môn" mà ai chỉ cần bỏ lỡ một buổi tụ họp là không hiểu vấn đề, đều được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt. Gần 3h sáng, chúng tôi mới đủ "nghị lực" để dẹp bỏ hết đèn lồng và các câu chuyện vui sang một bên, ngủ lấy sức cho ngày hôm sau.

Cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được đắm mình trong hương vị của món phở 

Sáng sớm ngày 27.7, thời tiết như ủng hộ lòng người bằng những cơn gió mát nhẹ và nắng tràn ngập cả thảm cỏ ngoài cửa sổ căn phòng chúng tôi nghỉ qua đêm. Chúng tôi khởi hành "lên phố cho đỡ ngố", vừa đi vừa rộn ràng cả góc đường, mà thỉnh thoảng phải quay ra nhắc nhở nhau nói bé thôi, cười nhỏ thôi. Vì mới sáng sớm, chúng tôi không muốn để ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Trên đường đi thì cơ man nào hoa để các anh tha hồ chụp ảnh tác nghiệp, nào mận để chị em thì thụt hái đầy một bọc áo, trên đường ăn dần. Đến quảng trường diễn ra lễ hội, mấy anh chị em tìm đến một gian hàng nhỏ người Việt, ăn phở "cho đúng bản sắc dân tộc". Tranh thủ lúc đợi đồ ăn sáng, mọi người chào hỏi nhau, đón thêm mấy thành viên gia nhập vào đoàn, tìm góc nào cho "Hội An" nhất, để chụp ảnh gửi về cho bạn bè, để được khoe là mình đang ở "Việt Nam". Đây cũng là cơ hội để chúng tôi được hỏi thăm, biết thêm tình hình các cô chú đồng hương đã sống nhiều năm xứ người, để hú lên sung sướng vì bạn bè lâu ngày gặp lại. Ăn xong, chúng tôi còn một chút thời gian đi vòng quanh quảng trường, qua các gian hàng của cô bác người Việt mình, trước khi nơi này bị lấp đầy bởi khách du lịch. Xung quanh hội trường là các gian hàng bán đèn lồng, quần áo đặc trưng Hội An, hay các món đồ lưu niệm của Việt Nam, như búp bê dân tộc, chuồn chuồn, tượng gỗ khắc Tây Nguyên, v.v.


Trò chuyện với chú Hòe - một trong những người có đóng góp rất lớn cho sự thành công của lễ hội (Ảnh: Hoàng Duy) 

Tranh thủ còn sớm, cả đoàn kéo nhau lên núi, đến với lâu đài cổ tích Wernigerode với kiến trúc cuối thế kỉ 19. Ấp ủ mơ ước đến nước Đức, cái nôi truyện cổ tích của hai anh em nhà Grimm, cuối cùng tôi cũng đạt được. Đứng trên đỉnh núi, ngay cạnh lâu đài, cả đoàn chỉ biết suýt xoa trước vẻ đẹp hùng vĩ ấy. Dù đã qua lâu rồi cái tuổi còn tin vào điều kỳ diệu, nhưng chị em tôi vẫn không thể không nhắm mắt mơ màng, để được thư giãn, tưởng tượng mình là những cô công chúa trong bộ váy trắng tinh khôi, ngồi bên cửa sổ thả mái tóc dài bồng bềnh chờ hoàng tử tới tìm mình. Hay tưởng tượng mình là những em bé nhỏ, lạc vào thành phố bánh kẹo đầy màu sắc ngọt ngào. Ngôi nhà này là kajo sô-cô-la phủ kem tươi hồng, ngôi nhà kia lại là bánh táo đỏ phủ ốc quế giòn thơm. Hay đôi khi, tôi lại tưởng tượng mình là một chiến binh dũng cảm, chiến đấu lại mụ phù thủy độc ác. Cái xứ này cũng lạ thật đấy, đẹp đến thế, mà lại bị mệnh danh là "Xứ sở phù thủy". Có lẽ cũng chính bởi vì cái ảo diệu, mơ hồ, cổ tích mà cảnh quan, kiến trúc nơi đây mang lại cho con người ta. Hãy cứ thử đến Wernigerode một lần đi, dù trái tim bạn có sắt đá đến mấy, cũng sẽ được xứ sở này hóa phép cho đến khi mềm nhũn.


 
Chụp ảnh lưu niệm trong lâu đài


Thăm quan lâu đài xong, chúng tôi quay trở lại với lễ hội đèn lồng, mục đích chính của việc tụ họp lần này. Trên đường đi, các "tay máy vườn" không quên lưu lại kiến trúc cổ kính đặc biệt nơi đây. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nơi này yên bình như Hội An của chúng tôi vậy.
Tác giả bài viết bạn Nguyễn Kim Phượng ( ngoài cùng bên trái )

Chương trình lần này thực sự hấp dẫn, không chỉ với người Việt chúng tôi, mà với cả du khách từ khắp mọi nơi, đặc biệt là người dân Đức tại Wernigerode. Mọi người đều hào hứng tham gia nhảy sạp, chơi bài chòi, bịt mắt đánh trống – những trò chơi dân gian hết sức Việt Nam. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ, hay có những khó khăn trong việc ngôn ngữ khi nghe hát bài chòi, nhưng rất nhiều du khách Đức vẫn nhiệt tình tham gia trò chơi. Anh chị em chúng tôi cũng không nằm trong ngoại lệ. Cả bọn hùn nhau mua vé chơi bài chòi, với niềm vui khi được mang về quà chiến thắng là một chiếc đèn lồng thật to.
Hoàng Duy được nhận giải thưởng của trò chơi Bài chòi

Tất nhiên chương trình không thể thiếu sự góp mặt tham gia của nhóm sinh viên Việt Nam tại Viện nghiên cứu cây trồng và di truyền thực vật (IPK) - Gatersleben
với các điệu múa dân tộc và những bài hát mang đậm bản sắc Việt Nam.


Đứng dưới hàng ghế khán giả, một nữ nhà báo Đức không giấu nổi nét mặt tự hào, xen lẫn chút hào hứng. "Tôi là bạn của cô Hương, một trong những người khởi xướng ra lễ hội lần này, tôi đã dành trọn trái tim mình cho Việt Nam từ lâu lắm rồi. Tôi cũng từng có lần được về thăm Việt Nam với cô Hương, nhà tôi thì gần đây thôi, ngay đằng sau quảng trường này này!", bà chia sẻ chân thành. Tại đây, chúng tôi cũng được gặp gỡ các cô chú trong ban tổ chức; tình cờ gặp nhà báo Quang Chí, một cây bút khá nổi trong giới báo chí Việt Nam tại Đức. Nhưng tình người nơi xa xứ ấm áp đến lạ. Chúng tôi được chào đón như những vị khách quý, được giới thiệu "Đây là các em sinh viên nhà mình, từ khắp nước Đức đến tụ họp ở đây", được các cô chú đón tiếp nhiệt tình, mặc dù chúng tôi cũng chỉ đến với tư cách là khách du lịch như bao nhiêu người khác.
Chụp ảnh chung với nhiếp ảnh gia Quang Chí - Giám khảo cuộc thi A little Germany
 
Gần cuối buổi chiều, chúng tôi sắp xếp hành lý ra về, trong lúc đợi "đồng đội", đang ngồi bàn đi mua nước ở đâu, vì khát quá, xa quá, lại mệt quá, thì cô chủ hàng quần áo Việt Nam bên kia đường tình cờ nghe tiếng, gọi cả bọn sang nhà cô lấy nước uống. Thế rồi cả đám lại chai to, chai nhỏ, vào nhà cô vừa uống, vừa lấy thêm nước vào chai để cầm hơi trong lúc đợi đồng đội trở về. Tạm biệt truyện cổ tích, tạm biệt lâu đài tráng lệ, tạm biệt nàng công chúa xinh đẹp, và cả mụ phù thủy độc ác, chúng tôi lên tàu trở về Magdeburg, liên hoan tối kết thúc chuyến đi bằng bữa cơm giản dị mà ấm áp.

Bài viết có sử dụng ảnh của Hoàng Duy - Rùa già - Phương Nhật-Phạm Thanh Vân

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Giao-luu/Sac-mau-Hoi-An-ruc-sang-xu-so-co-tich-15633.html

Quy định mới về việc công nhận văn bằng cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài

Theo đó, bổ sung quy định về phí công nhận văn bằng, người đề nghị công nhận văn bằng phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.


Ngoài các giấy tờ quy định, người có văn bằng (đã học ở nước ngoài) cần gửi kèm theo hồ sơ minh chứng thời gian học ở nước ngoài, gồm một trong các tài liệu liên quan như: xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; minh chứng đã đăng kí vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh của GD&ĐT.



Trường hợp cần thiết phải thẩm định mức độ đáp ứng quy định về tuyển sinh chương trình đào tạo, người có văn bằng cần gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan như: chứng chỉ ngoại ngữ, các văn bằng, chứng chỉ có liên quan.

Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.

Cũng theo quy định của thông tư, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT các Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Cục Đào tạo với nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ các cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đã được cấp phép đào tạo, liên kết đào tạo.  

Các cơ sở giáo dục ĐH và TCCN cũng có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo trên trang thông tin điện tử của trường danh sách sinh viên đã hoàn thành chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và được cấp bằng.


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Thong-tin-du-hoc/Quy-dinh-moi-ve-viec-cong-nhan-van-bang-cap-boi-co-so-giao-duc-nuoc-ngoai-15630.html

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Hủy hợp đồng di động mạng 02 và Bahncard online

Hủy Bahncard online

Khi bạn cảm thấy việc sử dụng Bahncard không hữu ích nữa hoặc nó quá đắt, khả năng tiết kiệm không nhiều thì bạn hoàn toàn có thể hủy online.

Cách hủy Bahncard online.
 
Nếu bạn không hủy Bahncard của bạn 6 tuần trước ngày hết hạn thì Bahncard của bạn sẽ tự động được gia hạn thêm 1 năm. Các bước đơn giản để hủy thẻ Bahncard online:
 
1.Mở trang web của dịch vụ Bahncard:2. Trong mục "Betreff" chọn  "Kündigung Ihrer Bahncard"
     
3. Trong mục "Ihre Mitteilung" bạn có thể viết 1 vài lý do ngắn gọn hoặc đơn giản chỉ cần viết "Sehr geehrte Damen und Herren, hiermit kündige ich meine BahnCard fristgerecht. Bitte        senden Sie mir eine schriftliche Bestätigung der Kündigung zu. Mit freundlichen Grüßen" (Tạm dịch: "Thưa các ngài, tôi xin hủy thẻ Bahncard của tôi. Xin vui lòng gửi cho tôi một văn bản xác nhận về việc hủy bỏ đó. Chân thành cảm ơn.")
   
4. Sau đó, điền thông tin liên lạc của bạn, mã số thẻ Bahncard, địa chỉ email và gửi đơn.
     
5. Vài ngày sau, bạn sẽ nhận được email xác nhận rằng thẻ Bahncard của bạn đã được hủy thành công.


Hủy hợp đồng sử dụng điện thoại di động mạng O2: Bạn cần làm những gì?

Việc chấm dứt hợp đồng sử dụng điện thoại di động của các mạng thường là giống nhau:  Bạn cần viết đơn chấm dứt hợp đồng, ký tên và gửi qua đường bưu điện cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, có thể có một vài sự khác nhau, tùy thuộc vào mạng điện thoại di động mà bạn sử dụng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cho bạn biết những gì cần chú ý khi muốn chấm dứt hợp đồng sử dụng điện thoại di động của mạng O2.

Trên trang web của mạng O2: http://www.o2online.de  bạn có thể tìm thấy mục "mein O2". Trong đó bạn sẽ tìm thấy tất cả các thông tin về việc chấm dứt hợp đồng sử dụng điện thoại di động. Bạn cũng có thể tìm được thông tin về điều kiện và điểu khoản chấm dứt hợp đồng trong mục FAQs. Thông thường với hợp đồng 24 tháng thì thời gian hủy trước là 3 tháng. Chỉ có những gói cước: "O2 Genion S ohne Handy", "O2 o" và "O2 Blue Flex" là ngoại lệ: 6 tuần cho "O2 Genion S ohne Handy" và 30 ngày cho 2 gói cước còn lại. Thông tin chính xác về thời gian hợp đồng và các điều khoản khác sẽ giúp cho việc chấm dứt hợp đồng sử dụng của bạn được thuận lợi hơn.
Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Song-o-Duc/Huy-hop-dong-di-dong-mang-02-va-Bahncard-online-15629.html

Chi phí sinh hoạt tại Đức

Với một nền giáo dục chất lượng và bằng cấp được công nhận toàn thế giới, nước Đức là nơi lý tưởng cho các bạn sinh viên có mong muốn đi du học. Đặc biệt học ở Đức ngay cả sinh viên quốc tế cũng được miễn học phí, các bạn chỉ phải trả phí quản lý sinh viên, vé đi trong bang… Chi phí sinh hoạt ở Đức cũng không quá đắt đỏ như các nước Pháp, Thụy Sĩ. Với tài khoản phong tỏa 8100€  của Deutsche Bank  hàng tháng mỗi sinh viên không được rút quá 670€.

Các khoản chi cố định hàng tháng:

* Thông thường tiền thuê nhà sẽ chiếm phần lớn nhất trong các khoản chi tiêu hàng tháng, dao động trong khoảng từ 180€ đến vô cùng (!). Quy luật chung thường là ở các thành phố lớn, đông dân, thu nhập đầu người cao thì tiền thuê nhà sẽ cao hơn ở những thành phố, thị trấn... nhỏ, ít dân, thu nhập trung bình thấp hơn; nhà ở khu trung tâm đắt hơn ở ngoại thành; phòng ký túc xá rẻ hơn nhà tư; các thành phố du lịch hay thành phố sinh viên, nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống thường có nhu cầu tìm thuê nhà cao hơn từ đó giá thuê cũng có thể cao hơn các nơi khác. Thuê nhà (bao gồm tiền nhà và các chi phí kèm theo nhà tùy hoàn cảnh như tiền nước, tiền điện, tiền xử lý rác thải, tiền điện thoại cố định, và tiền internet) 200-250€/tháng, nhà ở München có thể lên tới 350€/tháng.

* Bảo hiểm nhà nước (đối với sinh viên đại học) khoảng 77€/tháng, bảo hiểm tư nhân (đối với sinh viên học tiếng và dự bị  khoảng 38€/tháng); tiền điện thoại di động (thuê bao trả sau).

* Chi phí ăn uống(có thể dao động trong 1 khoảng nào đó nhưng nhìn chung không quá lớn) khoảng từ 80-100€/tháng, ở phía Nam Đức, Hamburg, Frankfurt,…chi tiêu đắt đỏ hơn thì khoảng 120-150€/tháng nếu tiết kiệm. Đồ ăn ở Mensa các trường tầm khoảng 2-3€. Ngoài ra có một số chi phí không tính theo tháng mà đóng theo học kỳ như phí quản lý sinh viên hay vé kỳ cho giao thông công cộng.

Dưới đây là chi phí sinh hoạt hàng tháng của một số sinh viên ở các thành phố:

1. Chị Nga (Abert Ludwig Uni Freiburg)
   Ở Freiburg 1 phòng ký túc xá có giá thuê trung bình từ 190-280€ (đã bao gồm tiền điện, nước, rác; tiền internet có thể bao gồm trong tiền thuê nhà hoặc không tùy theo từng khu ký túc xá khác nhau). Các phòng này diện tích tương đối nhỏ, từ 12-15m², dùng chung bếp, toilet, phòng tắm với người khác (1 WG có thể có từ 2-12 người). Phòng ký túc xá nhưng có bếp hay phòng tắm riêng thì giá thuê đắt hơn, khoảng 320-370€/tháng. Thuê nhà tư nhân giá thường đắt hơn ở trong ký túc xá. Việc tìm nhà ở Freiburg cũng tương đối phức tạp vì số lượng phòng ký túc có hạn, nhà trong khu trung tâm thường có giá trên trời nên rất nhiều người phải chọn thuê ở những khu vực xa trung tâm, thậm chí ở các thành phố, thị trấn vệ tinh (việc đi lại tương đối bất tiện)...
   Mensa ở Freiburg mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7, phục vụ bữa trưa và bữa tối. Bữa trưa có thể chọn giữa menu cố định (2.65€/suất) hoặc đồ ăn tự chọn (khoảng 1.85€/100g thức ăn, tính tiền theo lựa chọn của từng người). Bữa tối cũng tự chọn đồ ăn với mức giá tương đương bữa trưa. Menu cố định luôn có 2 loại, 1 cho người ăn chay và 1 loại bình thường. Nếu tự nấu bữa tối ở nhà với mức tiết kiệm nhất thì chi phí khoảng 120€/tháng (ăn trưa ở Mensa).
 
2. Bạn P (Westfäliche Hochschule)
- Thuê nhà khoảng 245€ (Untermieter, bao gồm internet và điện nước )
- Bảo hiểm TK( đối với sinh viên đại học ): 77€
- Chi phí ăn uống khoảng 80-100€

3. Trang (TU Berlin)
- Phòng ký túc xá: 200€/tháng ( bao gồm điện nước, nhưng không bao gồm internet).
- Chi phí ăn uống khoảng 100€, bữa trưa ăn ở Mensa khoảng 4€. Mensa TU Berlin nổi tiếng với đồ ăn ngon.
- Các khoản chi tiêu khác…..

4. Bạn D (Hochschule Anhalt)
- Phòng ký túc: 200€/tháng ( phòng mới, bao gồm internet nhưng mỗi tháng chỉ được phép dùng 10GB), điện, nước, đầy đủ giường, tủ, mỗi phòng có sẵn một tủ lạnh mini). Mỗi dãy khoảng 6-7 phòng chung một phòng bếp (rộng, sạch sẽ), hai nhà tắm, hai nhà vs.
Phòng cũ thì giá khoảng 160€/tháng (bao gồm điện, nước  nhưng không có internet).
- Bảo hiểm tư nhân Mawista 37,20€/tháng.
- Tiền điện thoại 15€/tháng.
- Chi phí ăn uống: 80-100€/tháng.

5. Linh (Fachhochschule Nordhausen)
- Phòng đôi tương đối rộng ( ký túc xá tư nhân): 155€/tháng( bao gồm điện nước). Mạng internet hơi phập phù và thường bị cắt lúc 1h10´ J. Một số nhận xét thêm là: bếp thì bếp chung ko lò nướng, còn lại thì cũng ổn, nhà tắm với vs sạch vừa vừa. Đi bộ mất 10 phút tới trường.
- Chi phí ăn uống khoảng 90€/tháng. Bữa trưa ăn ở Mensa cũng khá ngon, maximum là 2,6€/bữa.

6. Chị H (Otto-von-GuerickeUniversität Magdeburg)
- Phòng ký túc xá như một căn hộ khép kín với bếp và nhà vs riêng: 260€/tháng ( bao gồm tiền điện nước , nhưng đồ đạc phải tự sắm).
  Phòng 14m²(không đồ đạc) cả hành lang chung 1 bếp 2 toilet: 150eu/tháng (bao gồm tiền điện, nước, Internet).
  Phòng 24 m² (diện tích ở là 14m², nhưng có bếp và nhà tắm share với 1 phòng khác): 200eu/tháng.

  Phòng khép kín hoàn toàn (có đủ đồ đạc): 220 €/tháng (Có thể có bếp hoặc ko có bếp trong phòng).
  WG thuê bên ngoài: nhiều loại giá
150
  Phòng tại Campus tower, giá cực đắt.
- Ăn uống thoải mái + hưởng thụ thì 150-200€, tiết kiệm hơn thì 80-150€ .
- Bảo hiểm: 2 loại là bảo hiểm nhà nước và tư nhân.
  Nhà nước: AOK, TK ~ 80€/tháng
  Tư Nhân: Mawista, Care Concept (26 - 60€/tháng). Trong 18 tháng đầu thì rẻ, trên dưới 30€ , sau đó tăng.
- Internet, nếu trong kí túc thì internet dùng tẹt ga ko giới hạn, ra ngoài ở riêng thì 20 -40 €/tháng tùy gói.
- Làm thêm: Tây ta đủ cả, nhiều nhất là Quán châu á, Mcdonald, Maritim Hotel, làm thêm trong kho người Việt. Lương dao động từ 4 - 8€/h, hiwi 10E/h cho Master, Bachelor hình như max chỉ đc 8€/h
.

7. Bạn Thành (Uni Bochum)
- Căn hộ rộng 60 m² ba người ở: một phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 bếp và 1 nhà tắm: 450€/tháng ( bao gồm điện nước ).
- Bảo hiểm: 33€/tháng.
- Chi phí ăn uống: 100€/tháng.

8. Bạn N. (Uni Weimar)
- Phòng ký túc xá: 150€/tháng ( đã bao gồm internet và điện nước). Đi bộ từ ký túc xá tới trường mất khoảng 10 phút.
- Chi phí ăn uống khoảng: 150€-200€
- Bảo hiểm ( Care Concept): 26€/tháng
- Một số khoản chi tiêu khác nữa, một tháng tầm khoảng 400€

9. Bạn V. (TU München)
- Phòng kí túc xá (cách trung tâm München 30km, bếp và vệ sinh chung) 234€ bao gồm điện nước, Internet.
- Bảo hiểm: 78€/tháng.
- Chi phí ăn uống: 120€/tháng.
- Vé tàu (trước khi có Semester ticket): 60€
- Làm thêm: Làm quán người Việt (rửa bát và phụ việc) 5.3€/h. Làm Công ty của người Đức, công việc số hóa bản đồ trên máy tính (HiWi) 10€/h. Làm trong xưởng in 8.5€/h.

10. Chị Phương (Martin-Luther-Universität Halle-Wittenberg)
- Phí học kỳ : 72,4 €/học kỳ
- Ktx: tầm 175 - 320, tùy nhu cầu. Trung bình cỡ 185 là ở ổn phòng khoảng 16-22m², có nội thất đầy đủ, đã bao gồm điện nước. In
ternet khoảng 8 - 15 €/tháng (tùy vị trí ktx). Có thể thuê nhà ở ngoài cũng tầm giá đó hoặc rẻ hơn nếu ở ghép với người Việt.
- Ăn uống: nấu ăn tầm 80-120 €/tháng.
- Bảo hiểm: Mawista tùy độ tuổi và loại mua giá tầm 32,7 đến 58€/tháng, AOK 80€/tháng
- Điện thoại: 15€/tháng.
- Làm thêm: có thể làm ở các quán người Việt, restaurant hoặc bán hoa quả nhưng giá hơi thấp: hoa quả 3,5€/h; restaurant 4-5€/h. Cũng có thể làm hiwi 10€/h nhưng xác suất ko cao (thường ưu tiên tuyển sinh viên  Đức).


11. Bạn Kiên HTWK Leipzig
- Phí kì: 183€ ( trường HTWK )
- Nhà ở: Kí túc: Phòng 12 - 20 m² chung 1 bếp, 1 toilet: 150-200€/tháng (bao gồm điện, nước, Internet), có đồ đạc
            WG : dao động từ 140 - 200€/tháng ( thông thường là mức 150 )
            Phòng tại Campus tower, giá cực đắt.
- Ăn: 80 - 150 ( tuỳ ăn nhiều hay ít, ở với bao nhiêu người )
- Bảo hiểm: AOK, TK: khoảng 80€/ tháng
- Internet: ở KTX : giới hạn 15Gb thì phải
               ở riêng thì 20-40€/tháng tuỳ gói, càng nhiều người share càng rẻ
- Làm thêm:
BMW : dọn dẹp vào cuối tuần, lương hình như là hơn 10E/h ( vì làm đêm hoặc chủ nhật nên lương cao ) . đây là công việc ưa thích của SV ở đây, dễ xin, đi làm lại vui, lương cao.
Amazon : đóng gói các thứ, lương tương đối cao, làm đêm và ngày lễ đươc tính lương cực cao. Tuy nhiên làm công việc này thường làm Vollzeit cả đợt nên ảnh hưởng đến việc học. Dễ xin, đi làm cũng vui .
Hàng quán : từ 4 - 6€/tháng tuỳ quán


Như vậy chi phí sinh hoạt một tháng mỗi sinh viên khoảng 450-500€ ( nếu chi tiêu tiết kiệm). Ngoài ra sinh viên có thể đi làm thêm vào cuối tuần để trang trải thêm. Tuy nhiên đối sinh viên (học tiếng, dự bị và chính quy) đều bị giới hạn số ngày làm: 120 ngày/năm( nếu làm cả ngày) hoặc là 240 ngày/năm(nếu đi làm nửa ngày). Khác biệt là sinh viên dự bị và học tiếng chỉ được phép đi làm vào kì nghỉ còn sinh viên chính quy thoải mải về thời gian (miễn sao sắp xếp thời gian đi làm không ảnh hưởng đến việc học tập). Mức lương làm thêm dao động từ 4€/giờ-12€/giờ, tùy công việc và thành phố.
 
  
Bảng chi tiêu hàng tháng ở một số thành phố: Tải tại đây

 

http://ranking.zeit.de/che2013/en/orte
 
---------------

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Song-o-Duc/Chi-phi-sinh-hoat-tai-Duc-15625.html

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

"Áo ấm cho em" - Cùng Cơm Có Thịt Đức tiếp nối giấc mơ trẻ em vùng cao

Các bạn thân mến,

 

Châu Âu đang là những ngày mùa hạ, nhưng sáng nay đi làm tôi đã phải mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng. Thời tiết ban mai vẫn còn se se lạnh và trong khoảnh khắc ấy tôi chợt nhớ tới những đứa trẻ Nậm Khòa. Một mùa đông nữa lại sắp đến gần, thật gần. Những hình ảnh từ mùa đông năm ngoái như những thước phim quay chậm bỗng ùa về choán đầy kí ức. Tôi cứ trăn trở mãi với hình ảnh cậu bé cầm trên tay bát cơm trắng, mặc chiếc áo cọc tay, đi chân trần giữa mùa đông rét buốt để rồi trong trang Nhật ký viết cho CCT ngày hôm đó, tôi đã viết: Những ngày này nước Đức đang rét đậm, cái lạnh như muốn cứa vào da thịt, mặc dù tôi luôn có đủ áo, mũ, găng tay để "vận" vào mình. Ở một thành phố nào đó trên bầu trời nước Đức này, có lẽ các bạn cũng đang cảm nhận rõ những cái lạnh của mùa đông giống như tôi lúc này phải không? Nhưng chúng ta hình như vẫn còn may mắn hơn triệu triệu những con người trên thế giới này, bởi mỗi người chúng ta ít nhất vẫn có vài ba cái áo, cái khăn để"chống rét". Trong căn phòng quen thuộc của chúng ta là mùi thơm của trà, của các loại cafe và thậm chí là cả mùi lò sưởi. Thế nên mùa đông dù ướt át, nhưng cơ thể của chúng ta luôn được giữ ấm. Nhưng những đứa trẻ vùng cao đó, vẫn từng ngày từng đêm"vật lộn" với cái rét. Chúng thậm chí có thể gào thét trước cái lạnh, nhưng những tiếng gào thét ấy biết có mấy người nghe được? Hay nó đã hòa vào gió, vào mưa, vào đất trời Tây Bắc?"

 

Các bạn thân mến! Lòng nhân ái là nền tảng tốt đẹp góp phần làm nên giá trị sống của mỗi con người. Một chút yêu thương chúng ta cho đi có thấm gì đâu so với hàng vạn yêu thương mà chúng ta đã nhận. Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu mỗi chúng ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của các em. Để thấm, để hiểu, để yêu thương và để biết chúng ta đã may mắn như thế nào. Vậy nên, đừng chần chừ và do dự. Hãy lên tiếng và hãy để cho trái tim dẫn đường. CCT Đức vẫn xin nguyện làm chiếc cầu nối cho những tấm lòng của các bạn. Chỉ còn gần một tháng nữa thôi, một năm học mới sẽ lại bắt đầu. Các em trường Nậm Khòa lại tiếp tục có những bữa cơm với rau và với thịt do CCT Đức hỗ trợ. Nhưng chúng tôi không chỉ muốn dừng lại ở đó, chúng tôi muốn nhiều hơn thế. Vì lẽ đó, hôm nay CCT Đức chính thức phát động chương trình "ÁO ẤM CHO EM" - VÌ GIẤC MƠ TRẺ VÙNG CAO. Đại sứ CCT Đức Phan Thanh Phong sẽ trực tiếp lên Hà Giang và trao cho 180 em học sinh trường THCS Nậm Khòa mỗi em một chiếc áo ấm và một đôi ủng làm quà tựu trường và để mùa đông này các em sẽ ấm áp hơn. Để đôi bàn chân nhỏ sẽ vững bước hơn trên những con đường ghập ghềnh nơi sơn cước và để màu tím trên đôi má, đôi môi các em từ nay sẽ không còn thâm nữa...

 

Các bạn ạ! Hoa ở nơi đâu cũng cần có mặt trời để sống,"những bông hoa Nậm Khòa" trên mảnh đất Hà Giang nơi quê nhà dấu yêu kia lại càng cần nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi không mong đợi những điều lớn lao và vĩ đại, chúng tôi chỉ mong được các bạn nắm chặt những bàn tay nhỏ bé, truyền cho các em một chút ấm áp để mặt trời sẽ hiện về trên đôi mắt những em thơ...Bởi: Đôi khi những điều nho nhỏ bạn làm có thể thay đổi cả cuộc đời của người khác.

 

Chương trình quyên góp ủng hộ CƠM CÓ THỊT từ Germany:

 

http://www.facebook.com/ComCoThitGermany

http://www.facebook.com/groups/ComCoThitGermany

 

Đơn vị tiếp nhận ủng hộ: Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức

 

Thông tin tài khoản tiếp nhận:

* Người giữ tài khoản: Đỗ Thị Chính - Trưởng Ban Tài chính Hội SV VN tại CHLB Đức.

 

· Tên tài khoản: Thi Chinh Do

· Số tài khoản: 3252103 

· BLZ: 12070024 

· Ngân hàng: Deutsche Bank Brandenburg

 

Vui lòng thêm ghi chú: AO AM CHO EM


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Com-co-thit/Ao-am-cho-em-Cung-Com-Co-Thit-Duc-tiep-noi-giac-mo-tre-em-vung-cao-15628.html

Sinh viên AACHEN Bán hàng gây quỹ cho Cơm có thịt

Vậy là một ngày nữa lại trôi qua, một ngày hè nóng bức nắng chói chang. Vâng nhưng tấm lòng những tình nguyện viên chúng ta -SVA- lại thật ấm áp, mát mẻ biết dường nào. Hôm qua SVA chúng mình lần đầu tham gia bán hàng tại Flohmarkt - Aachen Katschhof. Điểm lại là vô vàn những điều bỡ ngỡ, sự sơ xuất trong khâu chuẩn bị, mà kể đến là giây phút điếng người với giá tiền thuê quá cao. Hay những lúc tưởng chừng như không còn đất để thuê. Nhưng trên hết là tấm lòng, thái độ và tình thương mà chúng mình thể hiện - những cô gái, chàng trai vô cùng đáng yêu . Những cái ô cứ giương lên chống nắng như thách thức với trời.
Những nụ cười nở tươi không ngừng hé mở.
Những nụ cười nở tươi không ngừng hé mở.

Những món đồ thật đơn xơ nhưng đầy ý nghĩa


Cái nắng chói chăng không làm nhụt trí chúng tôi

Tất nhiên với một buổi thử nghiệm và lên kế hoạch quá nhanh và gấp gáp như thế này. Với tình hình nhân lực, vật lực vô cùng thiếu thốn, mình chỉ mong học được một bài học, có đc một cái nhìn tổng quát về cách làm, bán hàng Flohmarkt cho những lần kế tiếp. Có những lúc tưởng chừng như tiền bán không đủ tiền vốn nhưng chúng mình đã vượt qua tất cả rồi phải không nào ? Vượt xa những gì mình nghĩ và trên hết chúng mình đã phần nào khơi dậy lại không khí hoạt động của SVA, quảng bá thêm đc phần nào về Cơm có thịt tại Đức. Những bài học vô cùng đắt giá về cách làm, bán hàng như thế nào, bán gì và làm gì thì sẽ tốt hơn,... đã được chúng mình rút ra. Tổng kết SVA thu được là 150€ tiền giấy, 56,96 Euro tiền xu cùng với 130€ tiền quyên góp. Trừ đi tiền lệ phí 50€ thì còn lại 286,96 Euro. Một khoản tiền tuy không lớn, nhưng chắc chắn sẽ giúp ích được phần nào cho các bé trường Nậm Khòa trong mùa đông sắp tới.

Chương trình quyên góp ủng hộ CƠM CÓ THỊT từ Germany:

 

http://www.facebook.com/ComCoThitGermany

http://www.facebook.com/groups/ComCoThitGermany

 

Đơn vị tiếp nhận ủng hộ: Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLBĐức

 

Thông tin tài khoản tiếp nhận:

* Người giữ tài khoản: Đỗ Thị Chính - Trưởng Ban Tài chính Hội SV VN tại CHLB Đức.

 

· Tên tài khoản: Thi Chinh Do

· Số tài khoản: 3252103 

· BLZ: 12070024 

· Ngân hàng: Deutsche Bank Brandenburg

 

Vui lòng thêm ghi chú: For CCT Germany


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Com-co-thit/Sinh-vien-AACHEN-Ban-hang-gay-quy-cho-Com-co-thit-15627.html

Kinh nghiệm tự làm hồ sơ du học Đức (Phần 2)

Bài trả lời từ bạn Nguyễn Kim Phượng

1. Từ đâu mà em có ý muốn đi đức?
    Hồi học đại học em học khoa Đức. Ban đầu em không có ý định đi, nhưng sau đấy càng học lại càng muốn biết nước Đức nó như thế nào, cho nên khoảng tầm năm thứ 3 là em bắt đầu có ý định đi du học. Em nghĩ cái này cũng là xu hướng chung của dân ngoại ngữ. Trừ những bạn không có đam mê với tiếng Đức, gần như 90% khoa em, nếu có điều kiện và cảm thấy có khả năng, sau khi ra trường đều muốn đi Đức học tiếp.

2. Em bắt đầu tìm trường như thế nào?
    Đầu tiên em đọc thông tin của DAAD, trên đấy cũng có 1 số link dẫn đến các trang web tìm trường của Đức như studieren.de etc..., sau đấy em có ra viện Goethe, đọc thêm các sách hướng nghiệp để biết rõ ngành mình định theo, sẽ học gì, sau này ra làm gì. Sau khi khoanh vùng được ngành rồi thì em lên google, search tên ngành và các trường, cụ thể hơn là em thích học về quan hệ công chúng, ở bang NRW, thì em search PR hoặc Öffentlichkeitsarbeit in NRW. Em thấy cách này hiệu quả hơn trên studieren.de, những trang ý chỉ cho mình 1 cái nhìn tổng quát thôi. Ví dụ như hồi ý em tìm trên studieren.de và 1 số trang tổng hợp khác thì ko có tên trường em. Mới năm nay em xem thì hình như người ta mới bổ sung rồi.
    Bước cuối cùng là em vào từng website của các trường em thích, đọc thử tên các môn học và xem lịch học của các khóa trước xem mình có hứng thú với các môn ý không.

3. Các trường mục tiêu của em ra sao, so với sức học của em?
    Hồi đấy vì nộp hồ sơ gấp, nên em chỉ nộp duy nhất 1 trường mà em cảm thấy thích nhất, sau đấy em cũng nhận được zulassung nhập học luôn. Thực ra còn 1 trường nữa em thích, nhưng quá hạn nộp hồ sơ.

4. Nộp hồ sơ cho trường như thế nào?
     Em nộp thông qua uni assist. Trước tiên em lập 1 bản hồ sơ online bewerbung. Em muốn lưu ý các bạn đi sau 1 chút thế này, online Bewerbung không có giá trị như 1 bản Bewerbung thực sự, nó chỉ tiện cho việc quản lý hồ sơ của mình, và trong trường hợp thiếu, mình có thể bổ sung online trước, và gửi bản chính theo bưu điện đến sau. Rất nhiều em hỏi em về hồ sơ online, vì các em ý không đọc kĩ, nên nghĩ là chỉ cần nộp online bewerbung là đủ.
    Các bước nộp hồ sơ em làm như sau: tất cả thủ tục người ta yêu cầu, mình scan và gửi trước qua online, sau đấy gửi bản chính qua post. Hồ sơ online có 1 cái tiện, là ngta sẽ gửi kết quả của mình qua cả online và cả post, nên ko sợ việc thất lạc hay thế nào đấy. Nếu uni assist duyệt hồ sơ đầy đủ, thì ngta sẽ chuyển hồ sơ cho trường xét, đủ điều kiện thì trường sẽ gửi Zulassung.
    Kinh nghiệm của em khi qua uni assist: Các bạn nên liên hệ trước với trường, để trường trực tiếp vormerken cho bên asist, trong lúc assist nó làm hồ sơ của mình. Rất nhiều trường hợp kêu uni assist làm việc dở hơi. Thực tế bạn em quen thì 99% nộp qua assist đều bị trả lại, 1% còn lại là qua trung tâm tư vấn (trường Magderburg), lý do tại sao em ko rõ. Bản thân em cũng bị uni assist từ chối ko nhận hồ sơ, nó báo ko gửi hồ sơ cho em đến trường, vì em thiếu testdaf. Nhưng trước đấy em đã có liên hệ trước hỏi trường là em có được nợ testdaf rồi sang đây thi ko, vì ở VN ko đủ người để tổ chức thi, thì trường ok. Sau đấy trường lập tức liên hệ với uni assist, ngày hôm sau em có luôn zulassung, mặc dù quá hạn bearbeiten hồ sơ từ hơn 1 tuần rồi.

5. Một chút kinh nghiệm phỏng vấn APS, có ôn gì ko? họ hỏi gì?
hoặc: Kinh nghiệm ôn thi TestAS, em đánh giá đề thi TestAS như thế nào, có khó không?
         Về APS, có 2 phần như sau
   1. Những câu mà ai người ta cũng hỏi, đấy là những câu xoay quanh việc mình lập kế hoạch cho việc du học Đức như thế nào, có hợp lý ko. Ví dụ: 1 tháng chi tiêu trung bình hết bao nhiêu? Học ngành gì, biết gì về trường mình học? Sau này ra trường làm gì? VỀ VN hay ở lại? Có người nhà bên Đức ko? Biết gì về thành phố mình định ở? Biết gì về nước Đức? Có định đi làm thêm hay không?... Nói chung mở đầu chỉ mang tính chất buôn chuyện, nhưng cũng rất quan trọng. Như bạn em, phần chuyên ngành phỏng vấn khá tốt, nhưng câu hỏi về những vấn đề cơ bản thì ko có kế hoặc rõ ràng---> trượt!
    2. Câu hỏi chuyên môn: có thể hỏi về BẤT KỲ môn nào mình đã học. Cái này bắt buộc mình phải tự ôn thôi ạ. Bọn em có cái lợi hơn các bạn là học chuyên ngành tiếng Đức, cho nên học gì thì bọn em ôn cái đấy, chứ ko mất công phải dịch như các bạn. Về vấn đề mình học, không nhất thiết phải trả lời chính xác, nhưng cũng phải cho người ta thấy đc lý do tại sao mình trả lời như thế.
      Kinh nghiệm thi APS là luyện nói trôi chảy, tự tin, niềm nở, quần áo mặc nghiêm chỉnh, nhưng phong cách thoải mái cheeky

6. Chọn STK như thế nào?
    Em không phải học STK ạ

7. Trước khi xin visa thì đặt vé cách đó bao lâu? có thể đặt vé sau đc ko?
    Vì em làm hồ sơ gấp nên em bắt buộc phải đặt liều, em giữ chỗ khoảng tầm 1 tuần gì đấy, sau đấy có visa em confirm vé rồi 4 ngày sau đi luôn. Em cũng có 1 số bạn học STK thì tùy trường, có trường thong thả chơi chán mới đặt vé sang, điển hình là TU Clausthal ạ (em ko biết có viết đúng tên ko:p)

8. Sang đức rồi thì bước đầu phải làm gì?
    Bước đầu tiên sang Đức là phải mua bảo hiểm, sau đấy tìm nhà, và đi báo với sở ngoại kiều là mình đã sang đến nơi. Tiếp theo, sau khi có giấy nhập học thì đi gia hạn visa. Việc ra báo sở ngoại kiều rất quan trọng. Em quen 1 số bạn, cứ nghĩ là sang nghỉ ngơi, hết 3 tháng rồi mới phải đi gia hạn. Ở 1 số thành phố thì ok, nhưng điển hình là chỗ em ở, nó mất 1 tháng để bearbeiten hồ sơ, nên mình phải ra báo trước là mình đã đến, đến khi mình gia hạn ngta sẽ làm rất nhanh, vì hồ sơ đấy người ta đã merken trước đấy rồi. Tránh trường hợp có bạn hết 3 tháng mới đi gia hạn, mà trong 1 tháng đấy ko có giấy tờ thì hơi nguy hiểm :p
Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Thu-tuc-giay-to/Kinh-nghiem-tu-lam-ho-so-du-hoc-Duc-Phan-2-15613.html

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Một thoáng "A little Germany"

 
 

Và cho dù tác phẩm được chọn không là tác phẩm của bạn thì bạn ơi: hãy nhớ rằng cái đẹp trong nghệ thuật không mang tính tuyệt đối, nó phụ thuộc vào mắt thẩm mỹ và cách cảm nhận của mỗi cá nhân. Chúng ta đều đã thành công khi đã đến và tham gia cùng cuộc thi. Chúng ta đã thành công khi góp phần khắc họa những góc nhỏ của nức Đức với cái nhìn của nghệ thuật và của tình yêu với nơi chúng ta đã gắn bó một phần tuổi thanh xuân, mang đến cho mọi người những cảm thụ mới về vẻ đẹp của không gian và thời gian qua con mắt của những du học sinh.
 
Sẽ khó có câu trả lời tuyệt đối cho câu hỏi "đâu là bức ảnh nào đẹp nhất?" khi chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của chúng không chỉ từ góc độ chuyên môn mà còn từ chính tâm hồn của tác giả và mỗi người chúng ta. Với gần hai trăm bức ảnh mang những thông điệp, màu sắc khác nhau đi qua không gian và thời gian của nước Đức lại chạm tới tâm hồn của mỗi người, gợi nhắc những kỷ niệm như đã gặp ở đâu đó.



 
Dù chỉ chớp lấy những góc rất nhỏ trong không gian rộng lớn của cả nước Đức nhưng những tâm hồn yêu nghệ thuật đã thổi sinh khí vào trong từng bức ảnh, một nước Đức hiện lên như những câu chuyện cổ tích của Anh em Grim mà mỗi chúng ta đã được nghe khi còn thơ ấu.
Hình ảnh chú thiên nga bơi trên mặt nước lấp loáng khiến nhiều người liên tưởng đến những chàng hoàng tử chuẩn bị trở lại lốt người khi ánh sáng mặt trời chìm dần xuống đáy biển. Toà lâu đài lung linh trên nền trời nước bao la của "Dressden đêm cuối năm" lại gợi nhắc buổi dạ vũ thần tiên của cô bé Lọ Lem. Những cảnh vật đã trở lên quen thuộc với nhiều người giờ lại hiện lên lung linh, huyền ảo qua ống kính của những chàng trai, cô gái mang tâm hồn nghệ sĩ.

 

Có thể nói cả bốn mùa của nước Đức hiện lên qua khung kính đều mang những nét quyến rũ với màu sắc đặc trưng. Là một cuộc thi chỉ dành cho những tay máy nghiệp dư, nhưng những bức ảnh được gửi tới cuộc thi đã ghi lại được những khoảnh khắc rất tuyệt của mùa. Bằng sự yêu mến giành cho nghệ thuật kỳ ảo của ánh sáng, bằng mắt nhìn nghệ thuật và bằng tâm hồn rung động trước cái đẹp, những khoảng màu của "mùa" trên nước Đức hiện lên như những bức tranh nên thơ, trữ tình mà cũng thật gần gũi.


 

Khung cảnh yên bình và sắc vàng của mùa thu dường như là cảm hứng không chỉ cho các nhà thơ, các nhạc sĩ mà đã gây rung động sâu sắc trong lòng các du học sinh Việt. Đó là vẻ tĩnh lặng của mặt hồ soi bóng những tán lá vàng và một cô sinh viên với chiếc xe đạp sau một ngày học tập của "Chiều thu", là sự trải dài no ấm của cánh "Đồng thu", hay đơn giản đó là những khối màu vàng đỏ, đặc trưng của "Mùa lá", của "Sắc thu", của "Thu Magdeburg" như một câu hỏi "Thu giấu em ở đâu?".


 
 
Nếu như sắc đỏ vàng của mùa thu mang lại cảm giác xúc động, man mác gợi nhắc thì sắc hoa mùa xuân và màu xanh mát của những con đường mùa hè lại mang tới vẻ trẻ trung, bầu sinh khí tươi mới. Bạn Jaykrig đã chọn một cành hoa táo nổi bật trên nền của toà lâu đài ở Dresden để thể hiện nét thanh khiết của một mùa đầy nắng, trong khi nguyenduLetunglam lại chọn con đường với hai hàng cây rực rỡ hoa anh đào cho câu chuyện về sức sống thanh xuân đầy nhiệt huyết nhưng không kém phần duyên dáng. Một cách nhẹ nhàng, nhưng "Sắc tím" của hoa báo xuân cũng như một lời nhắn nhủ mùa xuân đến rồi đấy.



Là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhiều du học sinh nhưng nền tuyết trắng xoá của mùa đông lại có sức hấp dẫn rất lạ kỳ đối với những "đứa trẻ lớn" của miền nhiệt đới. Có lẽ thời điểm diễn ra cuộc thi là vào mùa hè nên số lượng ảnh ghi lại những con đường trắng xoá không nhiều, nhưng chỉ với "Đường về", "Mùa Đông""Winter not cold" của thể loại Landscape hay "Giao mùa" của Streetlife chúng ta cũng có thể hình dung ra sự khắc nghiệt một mùa đông dài ở Châu Âu.



 

Rất nhiều tác giả chọn thời điểm hoàng hôn để ghi lại những cung bậc cảm xúc của ánh sáng. Nếu màu vàng của mặt trời về chiều rọi trên những tán lá xanh của "Chiều xuân" hay "Hoàng hôn" tạo nên một bức tranh tươi trẻ, đầy nhựa sống thì ánh sáng vàng trên nền trời thẫm của "Hoàng hôn Koblenz""Hoàng hôn" lại tạo nên một vẻ đẹp huyền bí lung linh.
Bên cạnh nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên là những nét hiện đại của những công trình do con người tạo nên, những tuyến đường sắt, những nhà ga được các bạn trẻ ghi lại như những dấu ấn không thể quên của những ai đã từng là du học sinh tại đất nước này. Những công trình kiến trúc như Berlin Dom, lâu đài cổ của Heidelberg, vườn Vô Ưu Postdam, nhà thờ Koln mang thông điệp của lịch sử và những huyền thoại được ẩn chứa bên trong luôn là đề tài hấp dẫn các tay máy và đã được khai thác dưới những góc nhìn rất lãng mạn của những chàng trai, cô gái Việt.




Với thể loại Streetlife , sự lựa chọn dường như nghiêng về những biểu hiện tình cảm rất gần gũi và tự nhiên, điều không hề hiếm trên những con đường nước Đức. Những bàn tay nắm những bàn tay dưới chiều tà của "das Alter" hay "Father and son" hoặc chỉ là bóng hắt trên nền của "Vô đề" cũng gợi lên cảm giác ấm áp, yên bình đến thế. Dường như chỉ cần có vậy là an tâm nắm chặt cho đến suốt cuộc đời. Những phút giây rất đời thường của một "Gia đình", một nụ cười rạng rỡ của cô gái trong "Lovely smile" hay cử chỉ tinh nghịch của "Sunshine boy" qua ống kính của các bạn cũng mang đậm chất thơ.

 

 
Nét tĩnh lặng trong "Trầm mặc", "Con bé và Hamburg" hay vẻ cô tịch của "Khoảng lặng", "Đèn đêm" như khẽ chạm vào tâm hồn những người con xa xứ, man mác buồn, man mác gợi nhớ những yêu thương nơi quê nhà. Có lẽ vì vậy những trái Tim phương Nam luôn hướng về quê hương lại đập rộn ràng khi bắt gặp một hình bóng quê nhà, một khuôn mặt bầu bĩnh của "Bé gái người Việt" hay một quán ăn của người Việt giữa lòng Freiberg.



 

Những phút giây thư giãn bên quán bia, thời gian cho những cặp tình nhân, phút giây vui đùa bên con trẻ, những hình ảnh trong chợ trời, chiếc xe ngựa hay một nhóm hát rong trên phố, một góc tĩnh lặng của con phố đầy lá vàng rơi, một nụ hôn ngọt ngào - mỗi khoảnh khắc dừng lại nơi ống kính của các bạn trẻ rất tự nhiên nhưng cũng mang những thông điệp đầy nhân văn về cuộc sống sôi động đang diễn ra từng ngày. 





 
Gắn liền với sự kiện diễn ra trong thời điểm của Alig, nhiều bức ảnh đã kịp ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu của cơn lũ lịch sử trên đất Đức. Mỗi bức ảnh dừng lại ở thời điểm khác nhau, tuy không đầy đủ nhưng cũng cho người xem cảm nhận được một phần nào khung cảnh của cuộc chiến đấu chống lại Thuỷ Tinh của con người phương Tây. 




 

Mỗi bức ảnh chạm tới những góc nhỏ khác nhau trong tâm hồn mỗi người xem, đôi khi những cảm nhận lại vượt ra ngoài ý tưởng ban đầu của tác giả. Đây là thành công vượt ngoài sự mong đợi của các tác giả nghiệp dư. Những thông điệp nhẹ nhàng đầy màu sắc của nghệ thuật ánh sáng dù chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp nhưng cũng đưa người xem đến gần hơn với những vùng đất mình chưa từng đặt chân đến hay cảm nhận nét quyến rũ mới lạ của một địa danh mình đã từng quen thuộc.

Là một cuộc chơi nghiệp dư nhằm thoả mãn đam mê của những bạn trẻ với nghệ thuật ánh sáng, Alig đã trở thành một nhịp cầu nối cho những người có cùng chung niềm đam mê đến với nhau, cùng nhau chia sẻ những tác phẩm của mình. Mỗi tấm ảnh không chỉ đơn thuần ghi lại những cảnh đẹp, những khoảnh khắc khó quên mà còn chứa đựng trong nó tình yêu của mỗi tác giả với mảnh đất này. Những phút giây lưu lại qua ống kính hay chính trong ký ức của mỗi người trẻ để rồi khi trở về với quê hương lại chạnh lòng nhớ ở một nơi nào đó mình đã từng trải qua những tháng ngày nhiệt huyết của tuổi xuân. Qua mỗi tấm ảnh, từng mảnh ghép đan xen đã vẽ lên một nước Đức trong lòng những du học sinh. Một đất nước đã từng xa lạ mà giờ gần gũi thân thương sẽ luôn ở một góc nào đó trong trái tim mỗi người khi quay trở lại quê nhà. Alig đã thực sự thành công, đã đạt được những gì ban đầu kỳ vọng khi kết nối những bạn trẻ Việt tại nhiều vùng trên nước Đức để vẽ lên một little Germany lung linh đầy màu sắc. Một bức tranh tràn đầy sức sống được vẽ lên từ sự đam mê nghệ thuật, tình yêu và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Như một món quà chúng ta giành tặng cho nhau và cho mảnh đất này.
 

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/A-little-Germany/Mot-thoang-A-little-Germany-15621.html

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Học bổng nghiên cứu tại đại học Humboldt, CHLB Đức. 2014/2015

Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế "Chu Kỳ Cuộc Sống Con Người và Công Việc trong Lịch Sử Thế Giới" của Đại học Humboldt, Berlin đang có từ 10 tới 15 suất học bổng cho 1 năm học tập (bắt đầu từ 1.10.2014 tới 31.7.2015). Học bổng này dành cho các học giả cao cấp hoặc các ứng viên làm nghiên cứu sau tiến sỹ trên khắp thế giới tới làm việc tại trung tâm. Thời hạn đăng kí là 31.8.2013.
Học bổng dành cho các ứng viên đang nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử, nhân chủng học, luật, khoa học xã hội, khoa học chính trị, và các lĩnh vực nghiên cứu khác. Các lĩnh vực nghiên cứu có thể là việc nhà, mất việc, mối quan hệ giữa làm việc và không làm việc, cũng như nhân công tự do và không tự do. Quỹ học bổng cũng khuyến khích các đề cương nghiên cứu về tất cả các khía cạnh khác nhau trên thế giới, đặc biệt là những nghiên cứu hướng về việc so sánh, sự xung đột, mối quan hệ giữa các tôn giáo khác nhau. Không yêu cầu về khía cạnh lịch sử thế giới, tuy nhiên, lĩnh vực này là 1 ưu thế.
Cơ quan cấp học bổng: Bộ Giáo Dục và Nghiên Cứu Liêng Bang
Thời gian nghiên cứu: 1.10.2014 tới 31.7.2013
Cách thức dự tuyển: Điền vào mẫu trên website dưới đây. Có thể bạn sẽ phải cung cấp các thông tin liên quan tới tiểu sử, dự án nghiên cứu. Bạn có thể kết hợp dự án hiện tại của bạn và học bổng này. Ứng viên sau tiến sỹ nên cung cấp tên của 2 người bảo lãnh
Thời hạn dự tuyển: 31.8.2013
Các thông tin chi tiết có tại:
https://rework.hu-berlin.de/uploads/media/CfA_rework-Fellowship2014-15.pdf
 

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Kinh-nghiem-chia-se/Hoc-bong-nghien-cuu-tai-dai-hoc-Humboldt-CHLB-Duc-2014-2015-15623.html