Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Mẹ ơi, hãy kể cho con nghe về ánh trăng cổ tích

Xin bạn đừng vội chê cái tiêu đề này sến nhé, hãy đợi tôi kể bạn nghe tại sao tôi nói về ánh trăng cổ tích.
Bạn biết không, khi trẻ em Việt Nam đã tưng bừng được cha mẹ cho đi dạo phố và hoan hỉ với đủ các loại trò chơi trung thu và bánh kẹo ngày rằm cách đây hơn 1 tuần rồi thì những đứa trẻ gốc Việt tại Berlin của chúng tôi bây giờ mới đón Trung Thu. Không phải chúng tôi quên đâu, làm sao mà quên được khi người chị mới về chơi sang dúi vào tay một gói cốm Vòng thơm lừng mùi gạo non và dặn vội "em nhớ để chuối chín trứng quốc rồi ăn cùng với cốm nhé", quên làm sao được khi cô tôi mới nhắc về đun nước đường hoa bưởi và nhớ để vài ngày nếu muốn bánh dẻo được thơm ngon.
Bạn ạ, chúng tôi, những con người Việt Nam xa quê dù không hề quên một ngày lễ truyền thống dân tộc nào nhưng vì cuộc sống nơi đất khách mà chúng tôi đành phải khấn vái tổ tiên, thánh thần để xin dời ngày lễ vào ngày cuối tuần gần nhất để đảm bảo được công ăn việc làm. Với nhưng ai đã có con cái, thì lũ trẻ cũng phải chịu thiệt thòi theo cha mẹ. Bọn chúng cũng ít có cơ hội được chứng kiến một ngày lễ đúng ngày, đúng tháng. Mà có phải vì thế với chúng, những ngày này hình như không có ý nghĩa gì nhiều. Ý nghĩa làm sao được khi Papa, Mama chỉ kịp thổi vội nồi xôi và vào siêu thị mua nhanh ít hoa quả để thắp hương thì làm sao mà có thời gian để kể cho con nghe về lễ Xá Tội Vong Nhân hay dành thời gian giải thích cho con rằng Rằm Tháng 7 cũng là ngày lễ Vu Lan để con biết cách cài một bông hồng đỏ vào áo khi còn mẹ. Liệu có người mẹ Việt Nam nào ru con vào giấc ngủ bằng những ký ức của tuổi thơ chính họ về mâm cỗ Trung Thu với tiếng lọc cọc, vù vù của chiếc đèn cù gỗ hay cái mùi thơm xao xuyến của những chuỗi hạt bưởi khô cháy lên trong ánh trăng rằm ngời sáng một khoảng sân nhà.
Chúng tôi may mắn có được những ký ức tuổi thơ đẹp như vậy nên chúng tôi càng thương những đứa trẻ bên này hơn bởi chúng sống chênh vênh giữa hai nền văn hoá, câu hỏi luôn đặt ra trong đầu chúng "Vậy tôi thuộc về đâu". Tôi nói với một người bạn "trẻ con bên này không hề đói văn hoá nhưng dường như chúng đói văn hoá Việt Nam". Và không chỉ có tôi và bạn tôi nghĩ vậy mà cả cộng đồng người Việt tại Đức đang cố gắng nỗ lực tạo ra những sân chơi cho thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 để chúng có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với văn hoá Việt với hy vọng khi được hỏi "Quê hương bạn ở đâu?" thì chúng có thể tự hào trả lời rằng "Quê hương tôi là Việt Nam".
Cuối tuần vừa rồi, cộng đồng người Việt tại Berlin với sự giúp đỡ của Hội SVVN tại CHLB Đức đã tổ chức được một sự kiện như thế. Hội sinh viên sau hơn 1 năm thành lập thì cũng là ngần ấy thời gian những hoạt động của sinh viên chúng tôi luôn được sự hỗ trợ nhiệt tình và vô tư của các cô các chú, các anh chị trong cộng đồng như cô Châu, chú Quang Anh, chị Phương, anh Việt, chị Liên, chú Đính, anh Phương, anh Tấn, chú Mác,... những người đã ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho chúng tôi trong Hội trại sividuc vừa qua. Sự xuất hiện của Hội sinh viên trong những hoạt động cộng đồng có ý nghĩa này là một cách để thể hiện sự tri ân và trách nhiệm cũng như vai trò của sức trẻ với sự phát triển và gắn kết tình đồng bào xa quê hương. Trung Thu này không có ánh Trăng mà chỉ có nắng vàng và cái se lạnh của mùa thu ôn đới. Chúng tôi, những sinh viên tại Berlin dường như quên đi rằng Trung Thu đã qua hơn 1 tuần, tất cả đều háo hức không kém những đứa trẻ gốc Việt xúm xít chạy lăng xăng trong sân
Trung Thu năm nay chúng tôi mang đến cho các em những quả bóng bay đầy màu sắc và những trò chơi dân gian quen thuộc nơi quê nhà. Nào thì ném vòng vào chai, nào thì ô ăn quan, nào thì làm đèn ông sao. Mà Trung Thu làm sao thiếu mặt nạ được. Vậy nên chúng tôi có hẳn một góc dành riêng cho các em thả sức sáng tạo, tô màu và tự làm ra những chiếc mặt nạ con thú ngộ nghĩnh.
Đôi lúc những cơn gió thu thổi cuốn theo cả những quả bong bóng lên trời, với tay đuổi theo những trái bóng bay tôi nhận thấy mình đã quá lơ đễnh để quên đi rằng niềm vui có thể đến từ những điều thật trẻ con. Tuổi thơ đã qua từ lâu, nhưng nhìn vào những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười hồn nhiên và giọng nói ngọng nghịu ngây ngô kia, tôi thầm ước "Cho tôi xin một vé về tuổi thơ, vé đi thôi không cần quay trở lại."
Giữa sân là một sân khấu nhỏ, nơi có chú Cuội hài hước và chị Hằng xinh đẹp dẫn các em qua những tiết mục ca nhạc, văn nghệ thật vui vẻ. Màn ảo thuật của chú người Đức vui tính đã phá tan đi sự nhút nhát của lũ trẻ. Chúng không còn ngồi nép vào cha mẹ nữa mà tiến gần hơn tới sân khấu và hò reo theo những màn biến hoá ngoạn mục của người nghệ sĩ. Tôi nhắm mắt lại và tôi nhìn thấy một cô bé lớp 1 bé nhỏ đi đôi dép lê nhựa và mặc bộ quần áo xanh ngả màu đang ngồi không chớp mắt giữa rạp xiếc nhà tròn Hà Nội. Tôi chợt nhận ra rằng, trong đám trẻ đang hò reo kia, tôi thấy tôi, tôi của 25 năm trước, cũng ánh mắt ấy, cũng những háo hức ấy, và cũng với ước mơ được là nghệ sĩ ấy.
Một ngày có ý nghĩa kết thúc, nhưng sau những niềm vui đọng lại, là những điều trăn trở. Liệu một ngày có đủ để cho những đứa trẻ kia biết đến Việt Nam không? Cộng đồng đang cố gắng hết sức để lấp đi những khoảng trống văn hoá cho thế hệ sau tại nước ngoài. Thế nhưng để giữ gìn được những gì thuộc về dân tộc, những bậc cha mẹ mới chính là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc khuyến khích con em mình tìm hiểu và yêu hơn truyền thống quê hương, khiến chúng sẽ không rời xa Việt Nam khi trưởng thành.
Giá như có nhiều hơn nữa các cô chú bớt chút thời gian đưa con mình ghé vào nơi chúng tôi tổ chức các trò chơi truyền thống. Giá như các anh chị ngồi xuống hướng dẫn con mình cách làm đèn ông sao, hay kiên nhẫn chỉ cho con mình cách chơi ô ăn quan thay vì nhìn và mỉa mai nói rằng "mấy cái trò đó thì chơi làm gì" thì có lẽ niềm vui của chúng tôi đã trọn vẹn. Nhìn những viên ô ăn quan nằm lăn lóc trên sân mà tôi thấy chạnh lòng. Chẳng nhẽ trò chơi mà đã khiến tôi bao lần trốn ngủ trưa bây giờ không ai còn nhớ?
Sau sân khấu anh MC có nói với tôi rằng "lúc anh hỏi các con có biết Chú Cuội và Chị Hằng là ai không, lũ nhóc lặng thinh không nói gì cả". Đổ tội tại chúng không hiểu tiếng Việt ư? Không phải đâu, chúng hiểu câu hỏi đấy nhưng trong từ vựng của những đứa trẻ ngây thơ kia thì "Chú Cuội" và "Chị Hằng" là hai danh từ hoàn toàn xa lạ. Lỗi tại ai? Có phải chăng bởi không ai kể cho chúng nghe về câu chuyện sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa và chị Hằng lỡ uống linh đàn mà phải bay lên cung trăng mãi mãi. Tôi ước sao những người cha, người mẹ bên này hãy bớt chút thời gian kể cho con nghe về những sự tích của Việt Nam, về câu chuyện ẩn sau những ngày lễ truyền thống để Trung Thu năm sau, biết đâu đấy khi con họ nhìn thấy vầng trăng sáng trên trời và chợt nói "Mẹ ơi, hãy kể cho con nghe về ánh trăng cổ tích". Có thể lắm chứ, phải không các bạn?
 
Trung thu muộn, Berlin, 29 tháng 9, 2013

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Su-kien-Phong-trao/Me-oi-hay-ke-cho-con-nghe-ve-anh-trang-co-tich-15693.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét