Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Du lịch châu Âu phần 3: Nước Nga - Sankt Peterburg

 Có thể đón nhận những bất ngờ thú vị trong cuộc sống là may mắn của con người. Chuyến đi Nga, với mình, là bất ngờ thú vị ấy.
Giấc mơ Nga từ lâu không còn hiện hữu, nhưng nhờ ơn trên rồi cũng có ngày tình cờ đọc được thông tin hội thảo, tình cờ nói chuyện với thầy hướng dẫn, tình cờ có tài trợ… để rồi lên đường đến với nước Nga.
Nước Nga gắn bó đặc biệt với gia đình mình, với mình, khi bố mẹ đã sống những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất. Cho đến tận bây giờ, mình vẫn thích được gọi tên kép Hoài Nga, bởi đấy cũng là nỗi nhớ niềm thương của bố mẹ đối với đất nước vĩ đại và xa xôi ấy.
Nỗi háo hức được đặt chân tới đất nước chứng kiến tuổi trẻ của bố mẹ đã chiến thắng cảm giác chán nản đối đầu với visa và các vấn đề khác. Và hạ cánh xuống Moscow vào một chiều nắng đẹp, trái ngược với vẻ xầm xì u tối của nước Đức.
Nhưng… Sankt Peterburg lại đón mình bằng một trận mưa làm mình ỉu xìu.
Thành phố được đặt tên theo ông  Peter Đại đế, người đã xây dựng thành phố từ một khu đầm lầy. Đây là cố đô của đế quốc Nga, sau đó chính quyền cách mạng năm 1918 rời thủ đô về Moscow. Có thể coi Sankt Peterburg là của ngõ của nước Nga nối với châu Âu qua cảng biển Baltic. Đến bây giờ, đây vẫn được coi là thủ đô văn hóa của nước Nga với biết bao nhiêu công trình kiến trúc hoành tráng và lâu đài, bảo tàng vô cùng xa hoa tráng lệ.
Với mình, cứ nghĩ đến thành phố này là gợi nhớ đến cuốn „Tuổi 17" giấy xám rách mấy trang đầu, mà mình đọc từ lúc 14 15 tuổi, thành phố của các cô gái đoàn viên cộng sản trong sáng, đáng yêu, dũng cảm, cùng người thầy với phương pháp sư phạm tuyệt vời, và nhân vật phụ là 2 chàng lính thủy cũng thật đáng yêu

@  Tác giả đứng trước tượng đài Peter Đại đế

Tượng đài Peter Đại đế được dựng ở quảng trường bên bờ sông Neva. Bức tượng đồng mô tả Đại đế cưỡi ngựa đạp lên con rắn (do thành phố được xây dựng trên đầm lầy), tay chỉ về phía sông Neva. Tượng do nữ hoàng Catherine đại đế đặt làm, người ta mất 14 năm để có thể hoàn thành, cao khoảng 6 m. Đế cao 7m nữa. Người Nga tự hào về đất nước của họ cũng phải, và không phải tự nhiên người ta vẫn nghĩ nước Nga vĩ đại. Tảng đá dùng làm chân đế cho bức tượng được coi là tảng đá lớn nhất mà con người vận chuyển, không có sự hỗ trợ nào dù của động vật hay máy móc thiết bị.
Là một người nghiên cứu về rủi ro và an toàn lao động, ở bất cứ công trình hoành tráng mình cũng đều tự hỏi bao nhiêu người phải bỏ mạng vì công trình này.
Câu hỏi ấy cũng trở lại khi mình đặt chân vào nhà thờ thánh Issac.
Do Peter  Đại đế được sinh ra vào ngày thánh Issac nên ông quyết định lấy tên vị thánh đó để đặt tên cho nhà thờ (rất là mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, phải không?)


@ Tác giả trước nhà thờ Thánh Issac


Bất kì ai khi đứng trước nhà thờ này đều có thể bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ và xa hoa của nó, với 112 cái cột đá granite đỏ nguyên khối to bằng mấy người ôm, khoảng 400kg vàng trang trí ngội ngoại thất, các khoáng sản khác như đồng, bạc, các loại đá cẩm thạch màu sắc khác nhau nhiều vô kể. Sức chứa của nó vào khoảng 10.000 giáo dân.
Nhà thờ được xây dựng trong 40 năm do một kiến trúc sư người Pháp chỉ huy xây dựng. Mình hỏi và được trả lời trong giai đoạn dựng cột chống cho nhà thờ thì không ai chết vì tai nạn lao động cả (?) Sau khi viên kiến trúc sư qua đời, người Nga tưởng niệm ông bằng cách dựng tượng với nguyên liệu là tất cả các loại đá marble đã sử dụng. Tẩn mẩn, mình đếm được khoảng 12 loại.
Nhà thờ hiện nay tuy đã trả được một phần lại cho giáo hội, nhưng vẫn là một bảo tàng lớn với tất cả những gì tinh túy trong kiến trúc và hội họa của nước Nga thời Sa hoàng, với những bức tranh thánh và hoàng đế/nữ hoàng rất lớn, hoặc tranh vẽ bằng phương pháp gọi là, mosaic kiểu Nga". 


Nhà thờ Thánh Issac

Màu xanh lục và xanh tím óng ả ốp những cây cột gần nơi chánh điện là những mảng quặng Malachit (một loại quặng đồng) được dàn thật mỏng, ghép vào nhau. Nhìn thật kĩ mới thấy những lớp ghép, vì vân của những mảng quặng rất dễ hòa với nhau khiến cho những cây cột này như được phủ một lớp lụa mỏng. 



Mái vòm nhà thờ Thánh Issac
Đặc  biệt mái vòm nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, gắn biểu tượng chim bồ câu bằng bạc nguyên khối lớn

Mình cứ tấm tắc mãi trước sự khéo tay, kiên nhẫn, tỉ mẩn của những người thợ, và nể phục đầu óc của những người đưa ra ý tưởng, thiết kế và chỉ huy thi công một công trình vĩ đại như thế.


Những cảm xúc ấy không hề vơi đi chút nào mà chỉ tăng thêm khi đi vào Bảo tàng Cung điện mùa đông của các Sa hoàng, một cụm kiến trúc của 6 tòa nhà liên tiếp.
Nằm ở trung tâm thành phố Sankt Peterburg và cạnh bờ sông Neva thơ mộng, Hermitage hiện nay là một trong những bảo tàng lớn nhất và xưa nhất thế giới. Một ông giáo sư đùa với mình: đi vào bảo tàng thích không, nguyên tìm lối ra đã hết hơi, mày nhỉ! Quả là một công trình đồ sộ với khoảng 1000 căn phòng trưng bày. Bảo tàng sở hữu khoảng 3 triệu hiện vật mà trưng bày chỉ khoảng 60 ngàn. Mình chỉ thích mua vé năm để đi bảo tàng được nhiều lần (sinh viên được vào bảo tàng này miễn phí nên mình rất khoái chí), vì nếu để xem tranh xem tượng đang trưng bày thì phải cả tuần – với kiểu người đại khái ít hiểu biết về hội họa điêu khắc như mình.
Vào bảo tàng hoa hết cả mắt vì vàng dát khắp nơi, pha lê lộng lẫy, tranh treo, và tượng hấp dẫn. Mỗi phòng lại một kiểu nội thất, và trưng bày các bộ sưu tập khác nhau từ các nước: Hà Lan, Anh, Ý, Tây Ban Nha từ những ngày xa xưa v.v… Bao nhiêu tinh túy của nước Nga và cả thế giới như dồn hết cả vào đây. Khi Nữ hoàng Ekaterina đại đế xây xây dựng từ thế kỉ 18, nước Nga là một đế quốc hùng mạnh nên đồ cúng tiến cũng không hề ít. Rồi chiến tranh và quân Pháp, quân Đức cũng mang bớt những tinh túy ấy đi, và không phải cái gì người Nga cũng đòi lại được.
Các căn phòng rộng thênh thang trần cao khiến mình tưởng tượng trở về thời xa xưa với các công nương váy áo căng phồng đi lại phát tiếng kêu sột soạt



@ Một gian phòng trong Cung điện Mùa Đông


Một căn phòng nhỏ ấm cúng và mình tưởng tượng mà nơi tiếp khách uống trà chiều của công chúa :)
Trong bảo tàng còn có căn phòng kim cương. Nghe thôi đã thấy lấp lánh. Nhưng riêng phòng này muốn vào phải đặt hẹn trước, và không được chụp hình.
Để mô tả vẻ đẹp của bảo tàng thật khó. Nhưng bước chân vào bảo tàng là để lại hết những căng thẳng của hiện tại để được chìm đắm trong một không gian toàn những thứ thật đẹp, tinh xảo mà cũng rất hoành tráng. Ngưỡng mộ biết bao những người thợ cần cù, những người thiết kế, những người đưa ra ý tưởng xây dựng, những người làm công tác bảo tồn bảo tàng… để lưu giữ một công trình tuyệt vời cho thế hệ sau. Lại nhớ ông bạn mình sang châu Âu lần đầu đã làu bàu: Sao „nó" chỉ ăn bánh mì mà nghĩ ra lắm thứ hay ho thế!



@ Pháo đài Thánh Peter và Thánh Paul

Nằm bên dòng sông Neva uốn lượn thơ mộng là pháo đài mang tên thánh Peter và thánh Paul. Pháo đài này còn lưu giữ một hòn đá từ thời Peter Đại đế đặt lên để xây dựng thành phố, năm 1703.
Ngày nay pháo đài là bảo tàng quốc gia về lịch sử thành phố Sankt Peterburg. Từ xa, chóp nhọn của pháo đài được dát vàng ánh lên trong nắng, và kể cả không nắng thì nó vẫn ánh lên… Vàng mà. Pháo đài là nơi an táng các vị Sa hoàng từ thời Peter đại đế tới Aleksandr III (từ những năm 1720 đến 1890). Pháo đài được xây dựng trên đảo mang tên „Con Thỏ", nên có một cái tượng con thỏ bé xinh ngồi trên một cái cọc gỗ gần chiếc cầu dẫn vào đảo. Mỗi lúc đi ngang ai cũng ném những đồng xu để ao ước những điều tốt đẹp. Gió khiến những đồng xu càng chẳng thêm dễ dàng rơi vào con thỏ bé tí xíu màu xám.

Không biết có phải vì nước Nga quá gắn bó với Việt Nam hay không, mà ở Sankt Peterburg thấy thật nhiều điều gần gũi với tuổi trẻ (qua sách vở): Này là Chiến hạm Rạng Đông (Audora), này là tượng đài Pushkin người có những vần thơ tình nổi tiếng và ngôi nhà Pushkin đã sống những ngày cuối đời, này là nhà thờ kiến trúc củ hành tương truyền xây trên vũng máu của Sa hoàng Ivan tàn bạo. Thời sự một chút, là những trường đại học đang đào tào sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam, và những cơ sở đào tạo (chẳng biết chỗ nào) đang huấn luyện các sĩ quan cho quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng những vũ khí khí tài hiện đại. Ở một thành phố xa lạ về phía Bắc, cách Việt Nam thật xa mà vẫn thấy rất gần.

Với mình, đến Sankt Petersburg cũng giống như đến nhà một người bạn, vì trường Đại học Mỏ quốc gia Sankt Peterburg. 

Nằm trên đảo lớn nhất của thành phố, trường Đại học Mỏ quốc gia Sankt Peterburg (ở Nga còn trường Đại học Mỏ Moscow nữa) có khuôn viên rộng lớn, những tòa nhà uy nghi và sinh viên giáo viên đến trường trong bộ đồng phục đen. Tay áo của sinh viên có hai đường may vàng, tay áo giáo viên có đính sao. Tùy theo học hàm học vị mà được đính sao nhiều hay ít.
Trường do nữ hoàng Catherine đại đế (một bà quý tộc Đức lấy chồng Nga rồi lên ngôi nữ hoàng) thành lập. Trước đó, dù Nga có rất nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng hoàn toàn dựa vào nước Đức (có lẽ là nước Phổ chăng?). Trường này cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ từ thuở xa xưa với Bergkademie Freiberg, một trong bốn trường đào tạo kĩ sư và nhà khoa học ngành mỏ của nước Đức hiện nay.



Bảo tàng khoáng vật của Đại học Mỏ Saint Petersburg

Không một trường đại học Mỏ nào không có bảo tàng khoáng vật, và bảo tàng khoáng vật của trường Đại học Mỏ quốc gia Sankt Peterburg là một trong những bảo tàng hoành tráng nhất mà mình đã từng đến (ở Đức, trừ Clausthal mình chưa tới, Freiberg có một bảo tàng rất đẹp, còn lại ở 2 trường đào tạo mỏ khác là RWTH Aachen và TFH Bochum thì khoáng vật chỉ dừng lại ở mức „bộ sưu tập"; ở Ba Lan, trường lâu đời như AGH Krakow bảo tàng cũng chỉ là một hall so với ở đây). 
Bảo tàng khoáng vật của trường Đại học Mỏ quốc gia Sankt Peterburg lưu giữ rất nhiều mẫu khoáng vật quý hiếm và đẹp. Mình cảm giác mua được một vé trở về tuổi thơ khi đặt chân vào bảo tàng này, nhớ lại cảm giác tuyệt vời khi giở từng trang sách sáng bóng in những mẫu khoáng vật, những câu chuyện về những chuyến đi khảo sát, lấy mẫu trên toàn nước Nga (cuốn „Khoáng vật học giải trí"), nhớ lại cảm giác thích thú sung sướng mỗi khi được bố cho một mẫu đá quý và bán quý để làm vòng cổ bông tai… đeo chơi.
Bảo tàng gồm rất nhiều gian trưng bày đá, có gian chính với cột bằng đá marble vàng nhạt, trần được trang trí bằng tranh, nét vẽ như 3D màu tím nổi bật trên trần sơn trắng. Những khoáng vật hiếm, đẹp, lạ… kể cả đồ cung tiến cho nữ hoàng cũng được đưa vào bảo tàng (tất nhiên, khách thăm lúc đó phải cỡ Rector trở lên) vì chính nữ hoàng đã kí sắc lệnh như vậy để phục vụ hoạt động đào tạo của nhà trường.


Chân dung nữ hoàng Catherine đại đế được treo trang trọng ở sảnh trong trường, bên dưới là những lá cờ Nga, cờ của ngành mỏ Nga. 

Ngồi trong hội trường dự lễ khai mạc „The international forum-competition of young researchers – Topical issues of rational use of natural resources", mình thực sự xúc động trước lễ rước cờ hoành tráng trên nền bài ca về ngành mỏ của Nga, không khác mấy với tinh thần của những người thợ mỏ xứ cờ đỏ sao vàng: từ đồng ruộng tới miền núi xa, làm tất cả cho tổ quốc nhiều than… như trong một bài ca cũ. Mọi người đã đứng lên chào lá cờ của ngành mỏ, như một sự ngưỡng mộ và một lần nữa khắc ghi trong lòng về một trong những ngành lâu đời, nguy hiểm, đòi hỏi ở con người không chỉ sức khỏe phi thường, trí tuệ, lòng dũng cảm, mà còn biết vì đồng đội,  vượt qua bao khó khăn thử thách, chịu đựng cả sự hy sinh…




Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Vong-quanh-Chau-Au/Thuong-nho-nuoc-Nga-Sankt-Peterburg-15564.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét