Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Sắc màu Hội An rực sáng xứ sở cổ tích

Từ này 26 đến ngày 28.7.2013 vừa qua, hai thành phố di sản của UNESCO với nhiều nét tương đồng đã kết hợp với nhau, mang đến cho khách du lịch cũng như người dân bản xứ  cái nhìn độc đáo về văn hóa Hội An, Việt Nam giữa không gian của Wernigerode, Đức, trong "Lễ hội đèn lồng Hội An - Lampionfest". (Xem thêm chi tiết về chương trình, lịch trình tại đây )

Trong hai ngày hội, chúng tôi, những sinh viên Việt Nam từ khắp mọi miền nước Đức đã tụ hội tại thành phố xinh xắn này. Không chỉ đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà ngọt như kẹo trong truyện cổ tích, hay để ngắm vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của lâu đài Wernigerode, hơn cả thế, các bạn sinh viên đến đây, như thể tìm con đường ngắn hơn về với quê hương mình.

Tối ngày 26.7.2013, chương trình được khai mạc, mặc dù thời tiết không ủng hộ lòng người với bầu trời u ám. Bước chân xuống cổng nhà ga chính, chúng tôi cảm thấy thành phố yên ắng lạ thường. Đoàn sinh viên chúng tôi gồm 7 người cùng nhau tiến gần vào trung tâm thị trấn. Dù thời tiết có ảm đạm, nhưng vẻ đẹp của Wernigerode khiến tôi cứ ngỡ mình đang thực sự lạc vào khu vườn thần tiên rực rỡ sắc màu.
Góc phố nhỏ ở Wernigerode - Ảnh Hoàng Duy
 
Từ nhà ga đi sâu vào khoảng 1km, chúng tôi đã bắt gặp những dây đèn lồng Hội An đầu tiên treo trên con phố chính dẫn vào quảng trường trung tâm thị trấn. Đường phố bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, tuy vẫn còn thưa thớt người bởi cơn mưa dần nặng hạt. Chương trình bắt đầu với màn múa hát của các bạn nữ sinh thế hệ người Việt thứ hai tại Đức trong tà áo dài duyên dáng. Dưới cơn mưa nặng hạt, đoàn Việt Nam vẫn nhiệt tình biểu diễn với sự cổ vũ của khán giả, tuy nhiên, chương trình vẫn phải kết thúc sớm hơn dự kiến.
Các tiết mục văn nghệ vẫn được biểu diễn bất chấp mưa gió - Ảnh Hoàng Duy
 
Sau khi vào một quán cà phê nhỏ trú mưa, chúng tôi đón thêm 2 bạn nữa và trở về nơi nghỉ đã được các cô chú người Việt tại Wernigerode chu đáo chuẩn bị trước cho cả đoàn. Đồng hồ đã điểm 23h30. Về đến khu nhà nghỉ, cả đoàn thay đồ, ăn uống. Các "chị cả" của đoàn đã chuẩn bị sẵn nào sushi, nem chua, rồi cả măng cụt, toàn đồ "sơn hào hải vị" ở xứ người. Ngồi sát lại gần nhau, câu chuyện của chúng tôi dần rôm rả hẳn lên. Sau đấy mọi người lấy đồ nghề ra làm đèn lồng, từ hoa đào, hoa cúc, cho đến gấu, cá, Minion từ từ xuất hiện lên trên những cây đèn, rực rỡ không kém đèn lồng Hội An chính thống. 



 
Là người mới lần đầu tham gia, nhưng tôi cũng nhanh chóng hòa cùng nhịp câu chuyện với các anh chị, từ những câu chuyện tếu táo cười thắt ruột, đến những từ ngữ "chuyên môn" mà ai chỉ cần bỏ lỡ một buổi tụ họp là không hiểu vấn đề, đều được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt. Gần 3h sáng, chúng tôi mới đủ "nghị lực" để dẹp bỏ hết đèn lồng và các câu chuyện vui sang một bên, ngủ lấy sức cho ngày hôm sau.

Cũng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được đắm mình trong hương vị của món phở 

Sáng sớm ngày 27.7, thời tiết như ủng hộ lòng người bằng những cơn gió mát nhẹ và nắng tràn ngập cả thảm cỏ ngoài cửa sổ căn phòng chúng tôi nghỉ qua đêm. Chúng tôi khởi hành "lên phố cho đỡ ngố", vừa đi vừa rộn ràng cả góc đường, mà thỉnh thoảng phải quay ra nhắc nhở nhau nói bé thôi, cười nhỏ thôi. Vì mới sáng sớm, chúng tôi không muốn để ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Trên đường đi thì cơ man nào hoa để các anh tha hồ chụp ảnh tác nghiệp, nào mận để chị em thì thụt hái đầy một bọc áo, trên đường ăn dần. Đến quảng trường diễn ra lễ hội, mấy anh chị em tìm đến một gian hàng nhỏ người Việt, ăn phở "cho đúng bản sắc dân tộc". Tranh thủ lúc đợi đồ ăn sáng, mọi người chào hỏi nhau, đón thêm mấy thành viên gia nhập vào đoàn, tìm góc nào cho "Hội An" nhất, để chụp ảnh gửi về cho bạn bè, để được khoe là mình đang ở "Việt Nam". Đây cũng là cơ hội để chúng tôi được hỏi thăm, biết thêm tình hình các cô chú đồng hương đã sống nhiều năm xứ người, để hú lên sung sướng vì bạn bè lâu ngày gặp lại. Ăn xong, chúng tôi còn một chút thời gian đi vòng quanh quảng trường, qua các gian hàng của cô bác người Việt mình, trước khi nơi này bị lấp đầy bởi khách du lịch. Xung quanh hội trường là các gian hàng bán đèn lồng, quần áo đặc trưng Hội An, hay các món đồ lưu niệm của Việt Nam, như búp bê dân tộc, chuồn chuồn, tượng gỗ khắc Tây Nguyên, v.v.


Trò chuyện với chú Hòe - một trong những người có đóng góp rất lớn cho sự thành công của lễ hội (Ảnh: Hoàng Duy) 

Tranh thủ còn sớm, cả đoàn kéo nhau lên núi, đến với lâu đài cổ tích Wernigerode với kiến trúc cuối thế kỉ 19. Ấp ủ mơ ước đến nước Đức, cái nôi truyện cổ tích của hai anh em nhà Grimm, cuối cùng tôi cũng đạt được. Đứng trên đỉnh núi, ngay cạnh lâu đài, cả đoàn chỉ biết suýt xoa trước vẻ đẹp hùng vĩ ấy. Dù đã qua lâu rồi cái tuổi còn tin vào điều kỳ diệu, nhưng chị em tôi vẫn không thể không nhắm mắt mơ màng, để được thư giãn, tưởng tượng mình là những cô công chúa trong bộ váy trắng tinh khôi, ngồi bên cửa sổ thả mái tóc dài bồng bềnh chờ hoàng tử tới tìm mình. Hay tưởng tượng mình là những em bé nhỏ, lạc vào thành phố bánh kẹo đầy màu sắc ngọt ngào. Ngôi nhà này là kajo sô-cô-la phủ kem tươi hồng, ngôi nhà kia lại là bánh táo đỏ phủ ốc quế giòn thơm. Hay đôi khi, tôi lại tưởng tượng mình là một chiến binh dũng cảm, chiến đấu lại mụ phù thủy độc ác. Cái xứ này cũng lạ thật đấy, đẹp đến thế, mà lại bị mệnh danh là "Xứ sở phù thủy". Có lẽ cũng chính bởi vì cái ảo diệu, mơ hồ, cổ tích mà cảnh quan, kiến trúc nơi đây mang lại cho con người ta. Hãy cứ thử đến Wernigerode một lần đi, dù trái tim bạn có sắt đá đến mấy, cũng sẽ được xứ sở này hóa phép cho đến khi mềm nhũn.


 
Chụp ảnh lưu niệm trong lâu đài


Thăm quan lâu đài xong, chúng tôi quay trở lại với lễ hội đèn lồng, mục đích chính của việc tụ họp lần này. Trên đường đi, các "tay máy vườn" không quên lưu lại kiến trúc cổ kính đặc biệt nơi đây. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nơi này yên bình như Hội An của chúng tôi vậy.
Tác giả bài viết bạn Nguyễn Kim Phượng ( ngoài cùng bên trái )

Chương trình lần này thực sự hấp dẫn, không chỉ với người Việt chúng tôi, mà với cả du khách từ khắp mọi nơi, đặc biệt là người dân Đức tại Wernigerode. Mọi người đều hào hứng tham gia nhảy sạp, chơi bài chòi, bịt mắt đánh trống – những trò chơi dân gian hết sức Việt Nam. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ, hay có những khó khăn trong việc ngôn ngữ khi nghe hát bài chòi, nhưng rất nhiều du khách Đức vẫn nhiệt tình tham gia trò chơi. Anh chị em chúng tôi cũng không nằm trong ngoại lệ. Cả bọn hùn nhau mua vé chơi bài chòi, với niềm vui khi được mang về quà chiến thắng là một chiếc đèn lồng thật to.
Hoàng Duy được nhận giải thưởng của trò chơi Bài chòi

Tất nhiên chương trình không thể thiếu sự góp mặt tham gia của nhóm sinh viên Việt Nam tại Viện nghiên cứu cây trồng và di truyền thực vật (IPK) - Gatersleben
với các điệu múa dân tộc và những bài hát mang đậm bản sắc Việt Nam.


Đứng dưới hàng ghế khán giả, một nữ nhà báo Đức không giấu nổi nét mặt tự hào, xen lẫn chút hào hứng. "Tôi là bạn của cô Hương, một trong những người khởi xướng ra lễ hội lần này, tôi đã dành trọn trái tim mình cho Việt Nam từ lâu lắm rồi. Tôi cũng từng có lần được về thăm Việt Nam với cô Hương, nhà tôi thì gần đây thôi, ngay đằng sau quảng trường này này!", bà chia sẻ chân thành. Tại đây, chúng tôi cũng được gặp gỡ các cô chú trong ban tổ chức; tình cờ gặp nhà báo Quang Chí, một cây bút khá nổi trong giới báo chí Việt Nam tại Đức. Nhưng tình người nơi xa xứ ấm áp đến lạ. Chúng tôi được chào đón như những vị khách quý, được giới thiệu "Đây là các em sinh viên nhà mình, từ khắp nước Đức đến tụ họp ở đây", được các cô chú đón tiếp nhiệt tình, mặc dù chúng tôi cũng chỉ đến với tư cách là khách du lịch như bao nhiêu người khác.
Chụp ảnh chung với nhiếp ảnh gia Quang Chí - Giám khảo cuộc thi A little Germany
 
Gần cuối buổi chiều, chúng tôi sắp xếp hành lý ra về, trong lúc đợi "đồng đội", đang ngồi bàn đi mua nước ở đâu, vì khát quá, xa quá, lại mệt quá, thì cô chủ hàng quần áo Việt Nam bên kia đường tình cờ nghe tiếng, gọi cả bọn sang nhà cô lấy nước uống. Thế rồi cả đám lại chai to, chai nhỏ, vào nhà cô vừa uống, vừa lấy thêm nước vào chai để cầm hơi trong lúc đợi đồng đội trở về. Tạm biệt truyện cổ tích, tạm biệt lâu đài tráng lệ, tạm biệt nàng công chúa xinh đẹp, và cả mụ phù thủy độc ác, chúng tôi lên tàu trở về Magdeburg, liên hoan tối kết thúc chuyến đi bằng bữa cơm giản dị mà ấm áp.

Bài viết có sử dụng ảnh của Hoàng Duy - Rùa già - Phương Nhật-Phạm Thanh Vân

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Giao-luu/Sac-mau-Hoi-An-ruc-sang-xu-so-co-tich-15633.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét