Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

TS Nguyễn Phúc Hiền: Giữ tiếng Việt ở bên ngoài Tổ quốc

Xem hình
TS Nguyễn Phúc Hiền (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm với Hội sinh viên Freiburg (HCGF). Nguồn: sividuc.org

Thưa ông, tiếng Việt đối với những thế hệ người Việt sinh ra ở Đức hiện đang được tiếp nhận như thế nào?

TS. NGUYỄN PHÚC HIỀN: Hiện nay thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba ở Đức nhìn chung chỉ có thể giao tiếp tiếng Việt đơn giản mà không có khả năng đọc và viết tiếng Việt thành thạo. Trong khi đó, chỉ tính riêng ở Thủ đô Berlin (bang Berlin) hiện có khoảng trên 20.000 người Việt và gốc Việt sinh sống. Theo tài liệu của Bộ Giáo dục Berlin, năm học 2012 - 2013 có 1.791 học sinh Việt Nam học tập ở các trường phổ thông của Berlin. Nếu tính cả số học sinh gốc Việt thì có khoảng trên 2.500 học sinh. Ở Berlin có 13 môn ngoại ngữ chính khóa và 12 ngôn ngữ được dạy trong giờ ngoại khóa. Tuy nhiên, tiếng Việt chưa được đưa vào trường phổ thông ở Berlin như một ngoại ngữ. Việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ tiếp nối vẫn là nỗi trăn trở của cộng đồng người Việt ở đây.

Được biết, hiện đang có một chương trình vận động đưa tiếng Việt vào dạy tại các trường phổ thông ở Berlin? Ông có thể cho biết công việc đang được tiến hành đến đâu?

- Để vận động đưa tiếng Việt vào dạy ở trường phổ thông ở Berlin, trước hết Đại sứ quán (ĐSQ) đã tìm hiểu tình hình và những quy định chung về dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông ở Berlin, tìm hiểu tình hình dạy tiếng Việt cho con em trong nội bộ cộng đồng. Tiếp đó, là tiếp xúc với một số trường và chính quyền các quận có đông học sinh Việt Nam để vận động họ ủng hộ việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông. Như vậy việc vận động được bắt đầu từ cấp cơ sở.

Ảnh: Minh Hạnh

Tháng 5 vừa qua, Bộ phận Quản lý lưu học sinh thuộc ĐSQ và Hội hữu nghị Đức-Việt tổ chức tọa đàm nhằm vận động việc công nhận và dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ ở trường phổ thông ở Berlin đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bà Christina Emmrich, Phó quận trưởng quận Lichtenberg đã ủng hộ lời kêu gọi của ĐSQ, đề xuất sáng kiến về một dự án thí điểm và cho biết sẽ đưa ra thảo luận ở chính quyền quận. Ông Schmidt-Ihnen, hiệu trưởng trường Barnim-Gymnasium ở quận Lichtenberg (trường này hiện có 159 học sinh Việt Nam) cũng hưởng ứng và dự kiến từ năm học 2014-2015 sẽ đưa tiếng Việt vào chương trình dạy học chính khóa. Và ngay trong năm học 2013-2014, có thể đưa tiếng Việt vào trường như một môn ngoại khóa. Ông Wolfgang Nötzler, hiệu trưởng trường Rudolf-Virchow-Oberschule ở quận Marzahn (trường hiện có 37 học sinh Việt Nam) dự định cũng sẽ đưa tiếng Việt vào trường, trước hết là môn học ngoại khóa.

Với sự ủng hộ ban đầu của cấp quận và một số trường như vậy, hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của chính quyền thành phố và phát triển ra các trường có nhiều học sinh người Việt khác. Việc công nhận một môn ngoại ngữ là thẩm quyền của Bộ Giáo dục cấp bang nên cần có sự đồng ý của Bộ Giáo dục của Berlin. Ở bước tiếp theo, ĐSQ cũng sẽ làm việc với Bộ Giáo dục Berlin về việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông.

Học sinh Việt Nam tại Ba Lan

Nếu dự án này được thực hiện có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng người Việt đang sống tại Đức?

 - Việc tiếng Việt được đưa vào trường phổ thông sẽ rất có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt ở Đức. Như tôi đã nói ở trên, khả năng tiếng Việt của thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba là không thành thạo, có thể nói là không đọc thông, viết thạo tiếng mẹ đẻ. Đó thực sự là một điều trăn trở của nhiều bậc cha mẹ mà họ không tự giải quyết được. Vì cả tuần các cháu đi học ở trường, về nhà các cháu cần làm bài tập về nhà nên khó yêu cầu các cháu dành thời gian học tiếng Việt với cha mẹ. Mặt khác, hầu hết cha mẹ cũng bận làm việc và không có nhiều thời gian dạy tiếng Việt cho con. Ngoài ra, việc học tập cần có một môi trường để các cháu đồng lứa học cùng nhau. Vì vậy, tiếng Việt được đưa vào trường sẽ giúp giải quyết được một phần vấn đề này.

Cụ Phạm Quỳnh từng nói rằng: Tiếng Việt còn thì nước ta còn. Chúng tôi biết rất nhiều gia đình người Việt vẫn cố giữ tiếng Việt cho các thế hệ tiếp nối. Nhưng giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt sinh ra tại nước ngoài đang là vấn đề khó, kinh nghiệm từ nước Đức cho thấy cần phải làm gì để giữ được tiếng Việt ở bên ngoài Tổ quốc?

- Giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt sinh ra tại nước ngoài đúng là vấn đề khó, nhưng nhất định phải làm. Trong chuyến thăm CHLB Đức tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất quan tâm đến vấn đề này và trước khi lên máy bay ông còn nói với Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh và tôi rằng: "Dù thế nào thì cũng đừng để con em mình mất tiếng Việt". Đấy là điều căn dặn khiến chúng tôi trăn trở.

Để thực hiện được điều này cần có sự chung tay của tất cả. Trước hết là các bậc cha mẹ cần nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ con cháu. Việc dạy tiếng Việt trước hết cần chú ý ngay trong gia đình.

Tiếp theo là vai trò của các hội đoàn người Việt rất quan trọng trong việc duy trì tiếng Việt. Việc duy trì tiếng mẹ đẻ là quyền lợi chính đáng nên các hội đoàn có thể lập các cơ sở dạy tiếng Việt theo hình thức phi lợi nhuận và xin sự tài trợ của nhà nước. Sự tài trợ của những nhà hảo tâm cho việc dạy tiếng Việt cho con em của cộng đồng cũng rất cần thiết. Hiện nay ở Berlin và một số thành phố ở Đức đã có một số cơ sở như vậy. Trong công tác cộng đồng, ĐSQ Việt Nam ở Đức cũng luôn quan tâm đến hoạt động gìn giữ tiếng Việt.

Việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông ở những trường có đông học sinh Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ tiếng Việt. Các hội đoàn và hội cha mẹ học sinh có thể chủ động đề xuất sáng kiến với nhà trường. Sự hỗ trợ của ĐSQ về mặt ngoại giao cũng là sự cần thiết trong việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông ở những nơi có điều kiện.

Giữ gìn văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Gia Việt

Chuyên trách về mảng hợp tác giáo dục và quản lý lưu học sinh, ông nhận xét gì về việc học tập của học sinh gốc Việt ở Đức hiện nay?

- Thế hệ thứ hai sinh ra và trưởng thành ở Đức có thành tích học tập rất đáng tự hào, gây được sự chú ý và tôn trọng trong dư luận xã hội Đức. Khoảng 2/3 số học sinh có quốc tịch Việt Nam đạt được bằng tốt nghiệp phổ thông (bằng Abitur, điều kiện để vào đại học), trong khi đó tỷ lệ chung của học sinh toàn nước Đức chỉ khoảng 40%. Học sinh Thổ Nhĩ Kỳ là cộng đồng nhập cư đông nhất nước Đức chỉ đạt 15% có bằng Abitur. Mặc dù có thành tích tốt trong học tập như vậy, nhưng như đã nói ở trên, nhìn chung học sinh Việt Nam ở Đức có khó khăn về tiếng Việt. Để các thế hệ tiếp nối hiểu và duy trì được văn hóa dân tộc cũng như phát huy được vai trò cầu nối quan hệ Đức-Việt thì việc dạy tiếng Việt cho họ đóng vai trò rất quan trọng.

Ông có đề nghị gì về sự giúp đỡ của trong nước đối với việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt sinh ra tại nước ngoài?

- Sự giúp đỡ từ trong nước là rất quan trọng, trước hết là về mặt ngoại giao và về chuyên môn.

Vừa qua, trong chuyến công tác tại Đức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đề cập đến việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông trong cuộc hội đàm với ông Wolfgang Heubisch, Bộ trưởng Khoa học, Nghiên cứu và Nghệ thuật bang Bayern và với bà Nicola Beer, Bộ trưởng Giáo dục bang Hessen. Đề nghị này đã được hai Bộ trưởng ghi nhận.

ĐSQ cũng đề nghị Bộ trưởng giúp tháo gỡ một số bất cập như thiếu giáo viên có chuyên môn sư phạm tiếng Việt và cung cấp sách giáo khoa tiếng Việt dành cho học sinh Việt Nam ở nước ngoài, cũng như sách tham khảo tiếng Việt, cung cấp bộ chuẩn năng lực tiếng Việt như một ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngoại ngữ của châu Âu.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

TS Nguyễn Phúc Hiền nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế với kết quả xuất sắc (suma cum laude) tại Trường ĐH Tổng hợp Leipzig, CHLB Đức năm 2008. Ông đã từng là giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội và công tác tại Bộ GD&ĐT. Tháng 9-2012, ông được Bộ GD&ĐT và Bộ Ngoại giao cử sang làm Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, phụ trách Hợp tác giáo dục và Quản lý lưu học sinh.

 

 


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/360-do-tin/TS-Nguyen-Phuc-Hien-Giu-tieng-Viet-o-ben-ngoai-To-quoc-15570.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét