Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Tổ chức tọa đàm vận động đưa tiếng Việt vào trường phổ thông tại Berlin

Cộng đồng người Việt ở Đức tự hào về thành tích học tập của con em mình ở trường phổ thông Đức với tỷ lệ học Gymnasium cao. Tuy nhiên việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp là mong muốn và nỗi trăn trở của nhiều bà con trong cộng đồng. Nắm bắt được nguyện vọng của bà con và nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ĐSQ Việt Nam tại Đức đặc biệt quan tâm thúc đẩy việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông của Đức như một ngoại ngữ.

Đối với thủ đô Berlin, đây là một quá trình không dễ dàng nên phương án lựa chọn là bước đầu vận động ở một số quận đông người Việt và có điều kiện khả thi.

 

Khách mời dự buổi tọa đàm về phía Đức có đại diện chính quyền quận Lichtenberg, hiệu trưởng một số trường thuộc quận Lichtenberg và Marzahn. Về phía cộng đồng có đại diện một số hội đoàn như Liên hiệp người Việt, Hội người Việt Berlin – Brandenburg, trường Sao Mai cũng như một số giáo viên đang dạy tiếng Việt ở Berlin và một số chuyên gia giáo dục.

Ông Bùi Ngọc Toàn: Nhiều học sinh Việt Nam ở Đức mong muốn được học tiếng Việt

Thay mặt Đại sứ, ông Bùi Ngọc Toàn, Tham tán công sứ ĐSQ trình bày lý do và mục tiêu buổi tọa đàm. Hiện nay có nhiều người Việt sinh sống ở Berlin, đặc biệt là tập trung đông ở quận Lichtenberg và Marzahn. Nhiều học sinh Việt Nam hoặc có nguồn gốc nhập cư từ Việt Nam (sau đây gọi chung là gốc Việt) mong muốn được học tiếng Việt. ĐSQ Việt Nam mong muốn tiếng Việt được công nhận và dạy trong các trường phổ thông ở Berlin như một ngoại ngữ, trước hết là ở các trường có đông học sinh Việt Nam và gốc Việt. Cuộc tọa đàm nhằm thảo luận bước đầu về những biện pháp và sáng kiến nhằm đạt mục tiêu nêu trên.

TS Nguyễn Phúc Hiền: Tiếng Việt đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển quan hệ Đức – Việt

TS Nguyễn Phúc Hiền, Bí thư thứ nhất ĐSQ, trưởng Bộ phận quản lý lưu học sinh điều phối thảo luận, đã trình bày thực trạng việc dạy tiếng Việt ở Berlin cũng như khẳng định tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp. Hiện nay ở Berlin có khoảng 2.000 học sinh Việt Nam và gốc Việt theo học ở các trường phổ thông. Tiếng Việt chưa được đưa vào nhà trường. Hiện nay có một số lớp dạy tiếng Việt cho các cháu trong các hiệp hội của cộng đồng. Tuy nhiên các lớp học này chủ yếu tổ chức vào cuối tuần và chỉ thu hút được một bộ phận học sinh. Việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tăng cường sự hiểu biết giữa các thế hệ trong gia đình. Mặt khác khi nắm vững tiếng Việt thì chính các cháu sau này cũng có thêm cơ hội tìm việc làm và góp phần phát triển quan hệ Đức – Việt.
 

Bà C. Emmrich, Phó quận trưởng quận Lichtenberg bày tỏ sự ủng hộ lời kêu gọi của ĐSQ và đề xuất một Pilotprojekt (dự án thí điểm) và sẽ đưa sáng kiến này thảo luận ở chính quyền quận.
 

Ông Schmidt-Ihnen, hiệu trưởng trường Barnim-Gymnasium ở quận Lichtenberg-Hohenschönhausen thông báo rằng ở trường này hiện có 159 học sinh có gốc Việt và dự kiến từ năm học 2014-2015 sẽ đưa tiếng Việt vào chương trình dạy học chính quy với tư cách môn ngoại ngữ thứ 3, môn tự chọn bắt buộc cho học sinh. Vấn đề cần giải quyết là tìm giáo viên, xây dựng chương trình và sự đồng ý của Senat thành phố Berlin.

Bà C. Emmrich (ở giữa) và ông Schmidt-Ihnen (bên trái)

Ông Wolfgang Nötzler hiệu trưởng trường Rudolf-Virchow-Oberschule ở quận Marzahn cho biết ở trường này có 37 học sinh gốc Việt. Với lượng học sinh không lớn, việc đưa tiếng Việt vào với tư cách môn học tự chọn không bắt buộc trong giờ ngoại khóa (AG - Arbeitsgemeinschaft) là có thể.

Dr. Peter Hübner, chuyên gia giáo dục, nguyên cán bộ Bộ giáo dục Berlin ủng hộ việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông và chia sẻ những yếu tố quan trọng khi Bộ giáo dục xem xét công nhận một môn ngoại ngữ trong trường phổ thông là: Số lượng học sinh có nhu cầu học môn đó, lực lượng giáo viên, chương trình, tài liệu và tài chính. Việc dạy học trong trường là do nhà nước cung cấp tài chính.

 

Prof. Dr. Lulei Chủ tịch ban tư vấn Hội Đức Việt nhấn mạnh ý nghĩa của việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ nối tiếp của cộng đồng người Việt trong việc tiếp tục phát triển quan hệ Đức Việt.

Dr. Peter Hübner (bên trái), ông Wolfgang Nötzler (ở giữa), Prof. Dr. Lulei (bên phải)

Đại diện các hội đoàn, các giáo viên tiếng Việt đều khẳng định nhu cầu học tiếng Việt của con em trong cộng đồng và bày tỏ mong muốn tiếng Việt được dạy trong trường phổ thông ở Berlin.  

Cuộc tọa đàm diễn ra sôi nổi và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các thành viên đều nhất trí một mục tiêu gần là một dự án thí điểm việc dạy tiếng Việt ở một số trường phổ thông Berlin, trước hết ở các quận có nhiều người Việt như Lichtenberg và Marzahn. Cho đến nay có một vài bang ở Đức, tiếng Việt đã được dạy ở một số trường phổ thông như ở Sachsen hay Brandenburg. Tuy nhiên để có một dự án khả thi ở Berlin thì còn nhiều việc cần làm và những vấn đề cần giải quyết.

 

Về vấn đề giáo viên, hiện nay ở Đức không có ngành đào tạo giáo viên tiếng Việt, nhưng có nhiều người Việt đang sống ở Đức có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc các ngành khác, nhiều sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học ở Đức. Lực lượng này nếu được bồi dưỡng thích hợp về khoa học giáo dục, lý luận và phuơng pháp dạy học thì có thể được phép dạy tiếng Việt ở trường phổ thông. Một số đã có kinh nghiệm dạy tiếng Việt trong các cơ sở dạy tiếng Việt ở Đức.
 

Trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận ở Đức vừa qua, Đại sứ quán đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ về mặt chuyên môn như xây dựng bộ chuẩn năng lực tiếng Việt như một ngoại ngữ theo mô hình chuẩn năng lực của châu Âu, cũng như hoàn thiện hoặc biên soạn mới bộ sách giáo khoa tiếng Việt dành cho học sinh ở nước ngoài. Những tài liệu được soạn từ Việt nam sẽ làm phong phú thêm nguồn tài liệu tham khảo hiện có, trong khi chưa có tài liệu phù hợp được soạn thảo ở Đức.

Để tiến hành vận động đưa tiếng Việt vào trường phổ thông Berlin, trong thời gian qua dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh, TS Nguyễn Phúc Hiền đã có những hoạt động tìm hiểu vấn đề một cách khoa học và đã thành lập nhóm làm việc tự nguyện (mang tính tạm thời và không có thù lao). Nhóm này bên cạnh việc tư vấn các biện pháp, đã tổng hợp một danh mục (chưa đầy đủ) những giáo viên đang dạy tiếng Việt ở Berlin, danh mục các tài liệu có thể sử dụng trong dạy tiếng Việt. Các danh mục này chỉ được sử dụng như một nguồn thông tin làm minh chứng cho tính khả thi của một dự án thí điểm. 

Việc hỗ trợ về mặt ngoại giao của ĐSQ có ý nghĩa rất lớn. Hy vọng đây sẽ là một sự khởi đầu lạc quan cho việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông ở Berlin. Tuy nhiên để việc vận động đưa tiếng Việt vào trường phổ thông có hiệu quả thì vai trò của các hội đoàn và phụ huynh học sinh đặc biệt quan trọng. Trước khi quyết định việc đưa tiếng Việt vào trường phổ thông thì các trường sẽ khảo sát nhu cầu của học sinh.  Chúng ta nên động viên con em nhận thức được ý nghĩa của việc học tiếng mẹ đẻ để đăng ký hoặc chủ động đề xuất nguyện vọng học tiếng Việt, tích cực tham gia, tạo ra một phong trào học tập và gìn giữ tiếng Việt cũng như văn hóa Việt trong các thế hệ nối tiếp của cộng đồng. Ở các trường có nhiều học sinh Việt và gốc Việt, các phụ huynh nên thành lập hội phụ huynh hoặc ban liên lạc để có thể thảo luận về việc chủ động đề nghị nhà trường đưa tiếng Việt vào chương trình như một ngoại ngữ chính khóa, chẳng hạn ngoại ngữ 3, mức độ thấp hơn là môn ngoại khóa (AG). Điều này có nhiều lợi ích cho con em chúng ta.

Những đóng góp tiếp theo cho việc vận động đưa tiếng Việt vào trường phổ thông ở Berlin có thể gửi về các địa chỉ sau:

1. Dr. Nguyễn Phúc Hiền, Bí thư thứ nhất ĐSQ

    Tel./Fax 030/29771443

     E-mail: phuchienth@gmail.com

2. Dr. Nguyễn Văn Cường

    Tel/Fax: 030/51067652

     E-mail: vancuong@uni-potsdam.de


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Tin-tuc/To-chuc-toa-dam-van-dong-dua-tieng-Viet-vao-truong-pho-thong-tai-Berlin-15552.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét