Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Sơn La - ngày trở lại

Khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới còn lấp ló trên đỉnh núi, xe khách chở tôi và Hồ Anh Vũ đã tới tỉnh Sơn La. Cô Dương Lệ Nga lên sớm vài ngày để tiền trạm, nhập đoàn từ ngã tư Hát Lót. Đến ngã ba Mai Sơn, mỗi người một balo trên vai, chúng tôi khệ nệ bê từng thùng sách xuống đường để chờ xe ra đón. Người đón chúng tôi là chú Hải, em trai của thầy Thành hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Phiêng Pằn. Chú đã dậy từ rất sớm để kịp đi từ trung tâm thành phố ra đón và đưa chúng tôi tới điểm hẹn gặp. Đó là điểm cách chỗ đoàn xuống xe khách chừng 30km, và là điểm cuối cùng mà xe ô tô có thể đi vào trường. Nhập đoàn cùng chúng tôi từ điểm hẹn đó là chị Huyền Lương, cô tổng phụ trách trường THCS An Bài, Thái Bình. Các thầy giáo của trường Phiêng Pằn đã chờ chúng tôi ở đó, từ đây chúng tôi sẽ được chở bằng xe máy để vào trường.
 

Ngôi nhà của người Thái yên bình trong nắng sớm. Ngôi nhà nằm sát cạnh điểm hẹn gặp để vào trường

Đoạn đường đồi khoảng 12km, ngoằn nghèo và đầy sỏi đá. Có những đoạn, nước của những đợt mưa lũ đã xẻ dọc đôi con đường. Có những đoạn chỉ đi được trên sống lưng trâu và trơn trượt. Ngồi sau xe, mà người tôi cứ nảy tưng tưng trên xe, lúc bị dồn về đằng trước, khi bị trượt ra sau. Khoảng hơn một tiếng thì chúng tôi đến trường, tay tôi mỏi nhừ vì dọc đường phải bám cho chặt, không có xe xóc sẽ bị hất xuống đường mất. Từ con đường nhỏ và dốc hơn để vào trường nằm trên đỉnh của một quả đồi, từng tốp em học sinh đang trên đường đến trường đã hân hoan chào đón chúng tôi, chào ran cả một lối vào.

Ra tận cửa đón chúng tôi là thầy hiệu trưởng với vóc người nhỏ gầy nhưng đôi mắt và giọng nói thật hiền từ và thân thiện. Việc đầu tiên đó là thầy đưa cho chúng tôi một "chai nước suối La vie" để "nhấm thử". Nước thì mát, nhưng sao mà mặn chát? Thầy nói đó là nước biển. Điều này, khiến chúng tôi rất ngạc nhiên, nhưng khi được giải thích thì chúng tôi đã hiểu và rất cảm kích tấm lòng của thầy. Nếu bạn hiểu, muối đối với bà con dân tộc sống ở các vùng miền núi quý hơn vàng, thì bạn sẽ hiểu đó là việc thể hiện lòng mến khách và trân trọng của thầy dành cho chúng tôi. Mới lần đầu gặp gỡ, vậy mà các thầy cô nói chuyện với chúng tôi gần gũi và thân quen như những người bạn thân lâu ngày không gặp.
 

Thầy hiệu trưởng (hàng cuối, thứ 3 từ trái sang), thầy cô và học sinh nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn

Khi tiếng trống trường vang lên, các em nhanh chóng tập trung ở sân trường. Chúng tôi bước vào sân trường trong ánh mắt tò mò nhưng hân hoan của các em học sinh. Sau màn giới thiệu các thành viên trong đoàn, cô Dương Lệ Nga vẫn như thường lệ lại là người khiến các em học sinh cười nghiêng ngả. Các em rất vui thích khi cô còn giao lưu hỏi chuyện các em bằng tiếng Thái.
 

Cô Nga đang trò chuyện với các em tại sân trường

Sau các trò chơi sôi động, với điệu múa sạp, múa Thái, đoàn chúng tôi đã tặng sách cho các em. Đó là những cuốn sách hay, bao gồm sách nuôi dưỡng tâm hồn, phong cách sống, kỹ năng mềm, tâm lý tuổi mới lớn, giáo dục giới tính học đường, khoa học phổ thông và nhiều truyện cổ tích và truyện hay cho thiếu nhi.
 

Các em học sinh đón nhận sách từ chương trình BnF

Ngày chúng tôi tới thăm trường cũng là ngày đặc biệt đối với 5 em học sinh của nhà trường, khi các em có ngày sinh nhật trùng vào ngày hôm đó. Đoàn chúng tôi đã tặng cho mỗi em một cuốn sổ nhỏ và cây bút cùng với lời chúc mừng sinh nhật. Với các em, điều này hết sức bất ngờ vì các em chưa bao giờ được nhận lời chúc mừng sinh nhật, có em khi được gọi tên còn không biết hôm nay là sinh nhật của mình. Sổ và bút cũng dùng để tặng cho các em học sinh có thành tích học tập tốt của năm học vừa qua.
 

Năm em học sinh nhận quà sinh nhật từ thành viên của nhóm "Sách và những người bạn"

Thật tình cờ, khi chúng tôi đến thăm trường đúng vào ngày lễ trồng cây của các em. Cả đoàn hăm hở cùng các em đến chỗ trồng cây. Khi nhìn đất đồi khô vàng và sỏi đá, tôi cầu mong những cây nhỏ này sẽ bám rễ và vươn cao. Việc trồng cây trên những đỉnh đồi không những giúp cho thêm bóng mát, mà quan trọng hơn, chúng sẽ giúp giữ nước sau mỗi mùa mưa lũ, chống sói mòn và lũ quét. Đặc biệt, khi hiện trạng chặt phá rừng bừa bãi rất phổ biến, thì việc nhà trường khuyến khích các em trồng và bảo vệ cây là rất quan trọng và ý nghĩa.
 

Hồ Anh Vũ cùng thầy hiệu trưởng tham gia trồng cây với các em. Phía xa là lá cờ tổ quốc của UBND xã, sát gần với biên giới Việt-Lào
 
Trồng xong cây, tôi vào phòng ký túc của các em để trò chuyện. Các bạn nữ rất xinh xắn, hồn nhiên và vô cùng nhút nhát. Cứ nói được vài câu, các em lại quay mặt đi xấu hổ. Các em nữ khối 9 có vẻ bạo dạn hơn, em Diện, Boong, Huân kéo tôi vào phòng và mặc cho tôi xứa cóm, váy và cuốn cho tôi chiếc khăn piêu thêu hoa văn sặc sỡ mà các em đã tặng tôi. Các bạn nhỏ khác thì vây kín xung quanh, trầm trồ khen và cười khúc khích. Không khí thật giản dị và thân thương tình chị em.
 

Tôi trong trang phục của người dân tộc Thái chụp ảnh lưu niệm cùng các em

Khi cơn dông kéo mây đen đầy trời, cô Nga và thầy cô lo sợ chúng tôi sẽ không trở về được vì đường sẽ rất trơn và khó đi, nên vội vã giục chúng tôi lên xe quay trở ra. Mọi việc chuyển biến quá nhanh, khi tôi cất tiếng chào thì các em gái đều bưng mặt khóc, có em thì chạy vào trong phòng để giấu giọt nước mắt của mình. Điều này khiến tôi không cầm được nước mắt, nhất là khi các em nói "chị ơi, chị ở lại với chúng em, mai hãy về", "chị ơi, chị lại quay trở lại với chúng em chị nhé", "bao giờ chị về nữa???". Nhìn chị em chúng tôi bịn rịn chia tay, các thầy cô cũng không giấu nổi giọt nước mắt của mình, các bạn học sinh nam cũng yên lặng, khác hẳn với cái xù xì, nghịch gợm trước đó.
 

Cô Nga và học sinh của trường PTDTBT Phiêng Pằn, Sơn La

Tôi chưa biết bao giờ mới có thể quay trở lại, nhưng tôi hứa sẽ liên lạc với các em thường xuyên. Với nhiều em, có lẽ đây cũng sẽ là lần gặp duy nhất, đặc biệt là đối với các em học sinh lớp 9. Các em sẽ tiếp tục học ở trường cấp 3, nhưng với nhiều em ngày tổng kết năm học năm nay sẽ là ngày cuối cùng các em được tới trường, được vui cười cùng chúng bạn, được nghe lời giảng dạy của thầy cô.
 
Hãy cho tuổi thơ của các em thêm ngọt ngào, tươi sáng

Mười năm tuổi, lứa tuổi đẹp như trăng rằm, lứa tuổi mà các em được hồn nhiên như cây cỏ của núi rừng. Nhưng mười năm tuổi cũng là thời điểm nhiều em phải rời xa mái trường thân yêu, sẵn sàng cho cuộc sống mới của mình, ở đó các em là người gánh vác trách nhiệm làm cha làm mẹ từ rất sớm. Điều này khiến tôi không khỏi lo ngại. Tôi biết sẽ không dễ dàng để thuyết phục được bố mẹ của các em cho các em tiếp tục đi học. Nhưng tôi kỳ vọng thế hệ con cái của các em sẽ được đi học đầy đủ hơn.
 

Có gì ngọt ngào hơn nụ cười và ánh mắt của trẻ thơ?

Tiếng ve kêu gọi hè năm nay không còn rộn rã, bởi những quyến luyến mến thương với thày cô và mái trường khiến nhiều học sinh lớp 9 nhỏ lệ. Nhưng tiếng ve cũng râm ran thúc giục tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho những chuyến đi thăm và tặng sách cho các em nhỏ vùng cao. Tôi mong rằng, bạn bè tôi và nhiều người khác nữa sẽ dành chút thời gian để trực tiếp đến thăm các em nhỏ ở những miền xa xôi. Ở đó, các em rất thiếu thốn tình cảm, và rất mong được đón nhận thương yêu…
 
 Thông tin thêm về chương trình "Sách và những người bạn"


 

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Sach-va-nhung-nguoi-ban/Son-La-ngay-tro-lai-15554.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét