Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Sách và những người bạn

Một năm học sắp kết thúc. Một năm học mới lại sẽ bắt đầu, với rất nhiều em nhỏ, đó luôn là niềm vui lớn. Nhưng năm học mới có thể lại là nỗi lo lắng mới cho cả gia đình của nhiều em nhỏ ở miền cao. Đường tới trường thật xa, gập ghềnh và nguy hiểm. Con đi học, nhà sẽ thiếu người phụ làm nương, kiếm củi, thiếu người trông đứa bé để bố mẹ đi làm. Chưa kể phải lo thêm cái quần, cái áo, sách vở, bút viết cho con đi học… và phải có cái gì cho chúng nó ăn!
 

Khó khăn đi học của trẻ em vùng cao, phóng sự do VTV1 thực hiện

Trong thực cảnh gần một nửa số hộ người dân tộc là hộ nghèo, rõ ràng cái ăn cái mặc quan trọng hơn cái chữ. Như ở thị trấn du lịch Sa Pa- Lào Cai, nhiều em học sinh người dân tộc phải đi bán những món đồ lưu niệm cho khách du lịch, để giúp kinh tế cho gia đình. "Chúng bán được đồng nào thì ăn thôi!.. Tối đến thì ngủ ở cửa khách sạn". Có khi cũng vì cái nghèo, cái khổ, thiếu cái chữ mà nhiều em phải sớm lấy chồng lấy vợ khi chưa kịp thành người lớn (52% số vợ chồng kết hôn ở Sơn La nằm trong độ tuổi 12-17)… và cuộc sống lại bắt đầu với một vòng đói nghèo mới???

http://www.youtube.com/watch?v=IsLX9FembCw
phóng sự "Mặt trái của việc trẻ con đi làm sớm ở Sa Pa" do đài truyền hình VTC1 thực hiện
 
Nhưng, những con người sống ở vùng cao ấy, họ không chịu để cái nghèo, cái nhọc nhằn mãi đeo đuổi. "Từ mờ sáng đến sẩm tối, người lớn làm quần quật trên nương rẫy, một phần để kiếm cái ăn. Nhưng sâu xa, là để cho con cái đi học. Như vậy mới đoạn tuyệt được cái nghèo đã dai dẳng bao đời". Người H'Mông có câu rằng: " Người Mông cõng Con Chữ về bản, Con Chữ cõng Người Mông thoát nghèo".

http://www.youtube.com/watch?v=8VvRLNjh1XM
Phim tài liệu "Ơn người cõng chữ" do đài truyền hình VTC10 thực hiện tháng 5 năm 2012

Được đi học rồi, nhưng đâu phải con đường đến với cái chữ đã bớt nhọc nhằn, gian khổ... Nhà xa, sâu trong bản, phải chân trần, đi bộ 2 tiếng trên những con đường trơn dốc và gấp nghềnh sỏi đá. Bố mẹ quyết dựng lán gần trường cho các con đi học, cho con gần hơn với cái chữ, cho con đường tới trường của con bớt gian nan. Nhưng rồi, còn phải lo đủ tiền mua sách vở cho con học! Nhiều em, đi học nhưng chẳng có sách giáo khoa, nhà trường cũng chỉ có vài ba bộ cho mượn. Các em phải truyền tay nhau dùng chung những cuốn sách giáo khoa cũ qua năm này sang năm khác. Sách đã bong bìa, quăn góc, có quyển còn thủng lỗ chỗ.  Chưa kể, ở nhiều nơi, thiên tai và lũ lụt sẵn sàng góp phần gây khó nhọc đối với việc học của các em. Ngoài việc, làm con đường đến trường thêm nhiều nguy hiểm, bão lũ đã từng cuốn trôi và làm hỏng khoảng 383 nghìn bộ sách giáo khoa tại các trường ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình (theo báo Nhân dân Điện tử ). Học mà không có sách thật sự là một thử thách quá lớn!
 
Sách học thủng lỗ chỗ (ảnh trong bài "Lễ chào cờ đơn sơ của học sinh vùng cao" đăng trên http://news.zing.vn/giao-duc/le-chao-co-don-so-cua-hoc-sinh-vung-cao/a133589.html)
 
Có lẽ, với nhiều em sinh ra ở thành phố có lẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được việc mình lại không có sách giáo khoa để đi học. Mỗi kỳ học đến, các em được bố mẹ mua cho đầy đủ sách vở để học. Sau mỗi kỳ lên lớp, sách giáo khoa này thường được xếp lại trên giá sách, có thể để cho em, nhưng cũng có thể không bao giờ được dùng đến. Ít lâu sau những cuốn sách đó có thể được bán cùng với giấy vụn trong nhà với giá 10 nghìn đồng một cân.
 

 
Lớp học 10 người thì 4 em nghỉ để phụ giúp bố mẹ (ảnh trong bài "Lễ chào cờ đơn sơ của học sinh vùng cao" đăng trên http://news.zing.vn/giao-duc/le-chao-co-don-so-cua-hoc-sinh-vung-cao/a133589.html)
 
Chúng ta có thể làm gì để giúp những em nhỏ đáng thương đang đếm ngược tuổi thơ của mình cho đến ngày phải rời ghế nhà trường? Rất nhiều cơ quan, đoàn thể, nhóm hội đã nỗ lực hết mình để giúp sức cho các em nhỏ: Như chương trình hỗ trợ sách truyện cho học sinh dân tộc thiểu số theo ngân sách nhà nước. Hay Hội cựu chiến binh Bắc Giang kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa cho các con em thuộc diện gia đình thương bình liệt sỹ của tỉnh. Đoàn thanh niên Đoàn cơ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam tặng sách cho học sinh nghèo huyện đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi. Gần đây, FPT Aptech tặng sách truyện cho học sinh trường THCS Vĩnh Khương, Bắc Giang. Và còn nhiều nhóm tự phát như quỹ BVC quyên gom sách cho các em học sinh THCS Ra Mai, Quảng Bình, hay như cựu học sinh trường THPT Xuân Trường- Nam Định hoặc PTTH Chuyên- Thái Bình kêu gọi tặng sách, tài liệu kham khảo, tài liệu luyện thi đại học… cho học sinh của trường nơi mình đã học… Còn nhiều, nhiều chương trình nữa mà chúng tôi không thể kể hết tên. Nhưng tất cả, đều có chung một khát khao cháy bóng là được giúp đỡ các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, ở những miền quê khó nhọc được đi học và có điều kiện học đầy đủ hơn.
 
Chúng ta, mỗi người như từng con kiến nhỏ, cần mẫn gom nhặt những yêu thương bằng những việc làm giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Hãy dành tặng những cuốn sách có thể là mới, có thể đã qua sử dụng của mình cho các bạn khác. Hãy tặng sách để biết rằng mình có thể mở cho ai đó cơ hội của cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. Tặng để biết rằng trên đời có những người kém may mắn, cần mình chia sẻ. Tặng để biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có và để biết rằng đó không phải điều nghiễm nhiên. Mình cũng có thể là đã được sinh ra trong một gia đình như thế. Lúc ấy, mình sẽ mong muốn điều gì? Đó chính là những suy nghĩ mà chúng tôi muốn gieo vào lòng các em nhỏ thành phố. Và đó cũng chính là một trong những lý do Hội SVVN tại CHLB Đức khởi động chương trình "Sách và những người bạn". Chúng tôi mong muốn tạo ra một mạng lưới những kết nối giữa các trường ở các khu vực thành thị với các trường nông thôn và miền núi, để các em học sinh ở thành phố sau mỗi kỳ lên lớp sẽ dành tặng lại bộ sách giáo khoa của mình cho các bạn ở vùng nông thôn, miền núi.
 
Logo của chương trình Sách và những người bạn
website: http://www.booksnfriends.org/
hãy vào website của chương trình để biết thêm nhiều chi tiết

Bài giới thiệu về chương trình BnF: http://www.sividuc.org/about/Chuong-trinh-Sach-va-nhung-nguoi-ban.html
 
Cuộc sống rất bận rộn. Và có thể bạn mong có một ngày rảnh rỗi hơn để có thể dừng lại đọc một chút về một mảnh đời kém may mắn hoặc nói chuyện với ai đó khác về một chương trình từ thiện. Nhưng ngày rảnh rỗi đó có thể mãi mãi là "ngày mai." Hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, vì mỗi việc nhỏ bạn làm hôm nay có thể giúp cho nhiều cuộc đời thay đổi.
 

THÔNG TIN CHI TIẾT XIN LIÊN HỆ:
TS. Vũ Thị Anh Tiềm
Phụ trách chương trình Sách và những người bạn
Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Website: www.booksnfriends.org hoặc www.sividuc.org/BnF
Email: bnf@sividuc.org
Fanpage: http://www.facebook.com/BooksnFriends

Tài khoản tiếp nhận tại CHLB Đức
Đỗ Thị Chính
Trưởng ban tài chính - Hội Sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức
Chủ tài khoản: Thi Chinh Do
Số tài khoản: 3252103
Ngân hàng: Deutsche Bank Brandenburg
BLZ: 120 700 24
IBAN: DE03120700240325210300
SWIFT: DEUTDEDB160

Thông tin tài khoản tiếp nhận tại Việt Nam
Phạm Thu Hà
Số tài khoản: 15010000357198
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN chi nhánh Bắc Hà Nội.

Làm ơn thêm ghi chú khi chuyển khoản: Tên người ủng hộ- For BnF
Nhóm "Sách và những người bạn"
Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức

Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Sach-va-nhung-nguoi-ban/Sach-va-nhung-nguoi-ban-15529.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét