Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Một tâm hồn Việt ở Đức

Sinh trưởng ở Đức, tiếp xúc hoàn toàn với văn hóa Đức, ít có dịp về Việt Nam, nói tiếng Việt còn chưa thực sự chuẩn, nhưng chàng trai Nguyễn Minh Kha lại có một niềm đam mê kỳ lạ với văn hóa và lịch sử Việt Nam.

 Sau khi tốt nghiệp cử nhânViệt Nam học tại Viện Á Châu và Phi Châu thuộc Đại học Hambourg (Đức), Kha vẫn tiếp tục con đường học tập và trở thành nghiên cứu sinh thạc sĩ về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, Đông Nam Á tại trường mình. Có thể nói, Nguyễn Minh Kha đã truyền nguồn cảm hứng tuyệt vời về Việt Nam cho bạn bè cùng trường, cùng khoa, cũng như rất nhiều người Việt sinh sống tại Đức.

Đường đến với việc nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam của Kha hoàn toàn tự nhiên, giống như dòng máu Việt chảy trong con người Kha vậy. Vào năm 2006, khi được cha mẹ cho về Việt Nam để thăm quê hương, Kha đã đứng tần ngần rất lâu trước những quyển sách lịch sử bằng tranh, nói về những nhân vật lịch sử, những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Tuy không thể hiểu hết, Kha vẫn thấy rất thích thú và hào hứng.Thế nên Kha mua rất nhiều sách.

Trở về Đức, Kha quyết tâm học tiếng Việt, với mục tiêu ban đầu chỉ để đọc và hiểu những quyển sách trên. Dù không dùng tiếng Việt hoàn toàn tại nhà, cũng chưa từng đọc viết tiếng Việt cho đến lúc đó, nhưng Kha vẫn" cảm nhận" và thẩm thấu tiếng Việt dễ dàng. Việc học tiếng Việt vì thế không quá khó khăn đối với Kha.Với sự giúp đỡ của thầy cô giáo trong trường, cùng với sự ham học hỏi và kiên trì, chịu khó, chỉ sau một thời gian ngắn, Kha đã đọc hiểu các sách lịch sử Việt Nam.

Khi đã đọc hiểu được lịch sử Việt Nam, Kha bắt đầu nhận ra kho tàng kiến thức, những câu chuyện và con người trong lịch sử cội nguồn của mình có sức hút kỳ lạ. Kha bắt đầu đăng ký học tiếng Việt chính thức tại Viện Á Châu và Phi Châu (Đại học Hambourg). Thấy cậu học sinh Việt chăm chỉ, hiếu học, thầy giáo của Kha tặng sách hoặc photocopy giúp các tài liệu để cậu tự học thêm. Sau này, Kha thỉnh thoảng lại về Việt Nam tìm sách cho mình, nên vấn đề sách không còn khó khăn nữa.

Càng học tiếng Việt, lịch sử và văn hóa Việt Nam, Kha càng say mê. Cậu thi vào đại học khoa tiếng Việt để tiếp tục con đường nghiên cứu của mình. Lượng sách Kha đọc ngày càng nhiều hơn, cậu thanh niên này ngày càng "đói" sách. Thế là Kha về Việt Nam thường xuyên hơn và tìm các hiệu sách cũ để "tậu" cho mình nhiều quyển sách giá trị xưa kia. Sách Kha đọc khiến nhiều người nghiên cứuViệt Nam học tại Đức cũng phải khâm phục, như các cuốn Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử tân biên, Đại Nam thực lục...

Việc nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam chính là niềm say mê vô bờ Nguyễn Minh Kha  hướng về cội nguồn

Việc nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam chính là niềm say mê vô bờ Nguyễn Minh Kha hướng về cội nguồn

Kiến thức về lịch sử của Kha khiến nhiều người phải bất ngờ bởi ngoài việc chăm học, Kha còn có trí nhớ đáng kinh ngạc. Kha có thể nói vanh vách thời gian và những cột mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam trong nhiều giai đoạn khác nhau mà không cần phải tra cứu lại. Có thể nói, Kha không phải đang học lịch sử, mà là cảm nhận lịch sử và văn hóaViệt Nam bằng tất cả trái tim và trí tuệ của mình.

Đề tài tốt nghiệp Cử nhân của Kha cũng khiến nhiều thầy cô giáo và bạn bè nể phục bởi sự chuyên sâu. Kha chọn đề tài "Công cuộc cải cách hành chính của xã hội Việt Nam vào năm 1744 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát". Trong đó bao gồm các nghiên cứu quý báu về những thay đổi của Việt Nam giai đoạn này như: Phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Về hành chính thì chia làm 6 bộ, gồm Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Y phục từ quan đến dân cũng thay đổi... Đề tài tuy khó và tài liệu cũng không phải dễ tra cứu, nhưng Kha đã hoàn thành xuất sắc, tạo dấu ấn quan trọng trong khóa học và trở thành một trong những sinh viên giỏi của khoa, của trường.

Hiện tại, việc học đã chiếm hết sự say mê và quỹ thời gian của chàng trai trẻ này. Để tập trung vào con đường nghiên cứu của mình, Nguyễn Minh Kha có kế hoạch về Việt Nam 6 tháng, bắt đầu từ tháng Bảy năm nay. Kha chủ động viết thư liên hệ với các giáo sư tại Việt Nam, cũng như các trường đại học, các thư viện để chuẩn bị cho công việc nghiên cứu sắp tới.

Việc học thạc sĩ đối với Kha không chỉ nhằm khẳng định thành quả trên con đường nghiên cứu, đó còn là niềm say mê vô bờ đối với cội nguồn quê cha đất tổ của chàng trai Việt Nam tuyệt vời này.


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Tin-tuc/Mot-tam-hon-Viet-o-Duc-15610.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét