Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Đọc sách: hiện trạng và ước mơ

Nhân dịp tặng sách đầu năm của nhóm Sách cho nông thôn tại huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chúng tôi thực hiện khảo sát đối với 150 em học sinh tại trường Tiểu học Thị trấn Diêm Điền và 129 em trường Trung học Cơ sở Quỳnh Lâm. Đây là hai trường đều có mô hình tương tự như nhau trong việc đưa sách tiếp cận học sinh đến từng lớp học. Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền là nơi có mô hình "Thư viện mini" từ khoảng 3 năm nay, đây là hình thức nhà trường trang bị mỗi lớp một tủ đựng sách, các em học sinh tự mang sách từ nhà đến đóng góp vào tủ để đọc chung, ngoài ra sách trên thư viện trường cũng được luân chuyển tới các thư viện mini này để các em được đọc nhiều đầu sách hơn, mỗi em đều có một cuốn vở dùng làm sổ "Tư liệu đọc sách" để ghi lại những điều hay đọc được từ trong sách. Còn trường THCS Quỳnh Lâm thì áp dụng mô hình "Tủ sách phụ huynh" do ông Nguyễn Quang Thạch sáng lập, cụ thể là phụ huynh học sinh sẽ đóng tủ còn sách được mua từ nguồn tài chính kêu gọi từ mọi người.
Thư viện mini lớp 3A trường Tiểu học Diêm Điền và TSPH lớp 7 THCS Quỳnh Lâm

Bảng khảo sát gồm 8 câu hỏi với nội dung về mức độ thường xuyên đọc sách, nơi đọc sách, thời điểm đọc sách, loại sách các em hay đọc và sách đó ở đâu mà có và sự cần thiết của việc xây dựng các tủ sách tại lớp học. Ngoài ra còn có một câu hỏi mở để các em chia sẻ về ý nghĩa của việc đọc sách và mong muốn của các em đối với chương trình "Sách cho nông thôn". Thời gian trả lời cho một bảng khảo sát đối với các em học sinh vào khoảng 15 phút, các câu hỏi đều được thể hiện rõ rang dễ hiểu, dễ trả lời cho các em.
Các em lớp 3A Tiểu học Diêm Điền trả lời các câu hỏi khảo sát

Kết quả thu được thật thú vị, 100% các em đều thể hiện sự yêu mến đối với sách và đánh giá cao việc xây dựng các tủ sách tại lớp học. Tuy nhiên hầu hết các em đều cho rằng số lượng sách trong tủ chưa đủ để phục vụ nhu cầu đọc của các em, và mong muốn có nhiều sách hơn nữa.

1.      Suy nghĩ của các em về việc đọc sách
Không chỉ các anh chị lớn trường THCS Quỳnh Lâm mà các em nhỏ trường Tiểu học Thị trấn Diêm Điền cũng đều bày tỏ đọc sách chính là phương tiện cung cấp thông tin và kiến thức đặc biệt ý nghĩa. Em Nguyễn Việt Hùng, lớp 3A trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền chia sẻ: "Đọc sách giúp em củng cố việc học tập và hiểu biết hơn về thiên nhiên, sự sống của các loài vật hoang dã" hay em Lê Thị Hải lớp 8A, trường THCS Quỳnh Lâm viết: "Sách là thế giới kỳ diệu dạy em nhiều điều bổ ích". Em Lưu Thị Thủy, lớp 7 thì cho biêt "Việc đọc sách cho em hiểu biết về thế giới xung quanh, về xã hội, con người và đất nước Việt nam xinh đẹp. Em thích đọc những cuốn sách về Việt Nam, về thế giới và các câu truyện nước ngoài".

Trước mắt các em là cả thế giới tự nhiên đầy màu sắc mà các em luôn muốn tìm hiểu khám phá, ngoài ra sách còn nuôi dưỡng những ước mơ, chắp cánh cho những tâm hồn rộng mở để các em có thể tự tin bước vào đời. Em Lê Bá Quang Minh, lớp 3A trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền viết: "Sau mỗi lần đọc một cuốn sách bổ ích em rất mong muốn tìm hiểu về khoa học". Đơn giản vậy thôi, chính những trang sách đã kích thích trí tò mò của em để em khát khao tìm hiểu và biết đâu trong tương lai không xa em sẽ trở thành một nhà khoa học có những công trình nghiên cứu bắt nguồn từ những trang sách thời thơ ấu. Em Bùi Gia Huy, 5B, tiểu học TT Diêm Điền thì cho rằng em đọc nhiều sách để có kiến thức lớn lên em sẽ làm một thầy giáo giỏi.

Thiên hướng của các em cũng được bộc lộ trong cách các em đánh giá về việc đọc sách của mình, có em thích thiên nhiên, em thích xã hội, có em lại thích khoa học. Bên cạnh việc bổ sung kiến thức "đọc sách còn là niềm vui là cánh cửa mở rộng tâm hồn" (Lưu Thị Cẩm Ly, 9A, THCS Quỳnh Lâm), "tích tri thức và cảm xúc cho bản thân" (Nguyễn Công Sơn , 9A, THCS Quỳnh Lâm), hay giúp các em "tự tin giao lưu, nói chuyện với các bạn khác, biết cách ứng xử với mọi người xung quanh" (Đào Đình Hoàng Tuyên, Hoàng Thị Diệu Linh, 8A, THCS Quỳnh Lâm).  Sách chính là người bạn thân đồng hành cùng các em bước vào đời và cũng chính là thứ giải trí sau những giờ học căng thẳng (Lê Tuấn Đạt, lớp 5A, Đỗ Thị Đan Trinh, lớp 3A, Tiểu học TT Diêm Điền).
Và sách có ý nghĩa đặc biệt với các em như thế đó!

2.      Các em đọc sách như thế nào?
Câu hỏi đặt ra là ngoài những giờ lên lớp học bài, việc đọc sách của các em diễn ra vào lúc nào? Kết quả trả lời là có đến gần 70% các em học sinh của hai trường sẵn sang đọc sách bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, khoảng 35% các em đọc sách vào giờ ra chơi, ngày cuối tuần là 25% và thấp nhất là vào buổi tối khoảng 10%. Có lẽ buổi tối là khoảng thời gian các em dành cho làm bài tập và nghỉ ngơi nên không có nhiều thời gian đọc sách, có thể dễ dàng thấy điều này ở trường Tiểu học Diêm Điền với tỷ lệ chỉ có 3% các em chọn thường xuyên đọc sách vào buổi tối, con số này ở trường THCS Quỳnh Lâm là 22%. Tuy không cao bằng giờ ra chơi nhưng những ngày cuối tuần cũng là lựa chọn để đọc sách của khoảng 25% các em học sinh.

Biểu đồ về thời gian đọc sách của các em học sinh TH Diêm Điền và THCS Quỳnh Lâm

Việc các em đọc sách ở đâu cũng là một vấn đề được quan tâm. Có thể thấy rằng các em học sinh trường Tiểu học Diêm Điền đã coi lớp học (67%) và thư viện trường (51%) là nơi đọc sách lý tưởng, khác với các em THCS Quỳnh Lâm lại thường đọc sách ở nhà (74%). Nguyên nhân có thể là nguồn sách tại trường Tiểu học Diêm Điền phong phú hơn trường THCS Quỳnh Lâm, cũng có thể tủ sách tại các lớp học trường Tiểu học Diêm Điền đã có từ trước nên thói quen đọc sách đã được hình thành. Một số nơi khác được các em lựa chọn tới để đọc sách đó chính là các nhà sách, các hiệu sách, các trung tâm cho thuê sách truyện,... nơi các em có thể tới đó mượn đọc ké, tuy nhiên tỷ lệ này tương đối thấp (khoảng 15%) vì nơi đây là các đơn vị kinh doanh nên không dễ dàng tới đó đọc thường xuyên được.


Tỷ lệ chọn nơi đọc sách của các em học sinh Tiểu học Diêm Điền và THCS Quỳnh Lâm

Điều dễ dàng nhận thấy trong các câu trả lời nhiều nhất cho câu hỏi sách em đọc đến từ đâu, đó chính là từ tủ sách đặt tại lớp học. Gần 70% học sinh ở cả hai trường Tiểu học Diêm Điền và THCS Quỳnh Lâm đều nói rằng đã mượn sách ở các tủ sách lớp học. Ngoài ra cũng gần 60% các em cũng chọn thư viện là nơi mượn sách. Đối với các em trường Tiểu học Diêm Điền do gia đình ở thị trấn nên kinh tế khá hơn và có điều kiện thuận lợi hơn  trong việc mua sách nên 43% các em đã được gia đình mua sách cho để đọc, trong khi đó chỉ có 23% các em ở trường THCS Quỳnh Lâm được gia đình mua sách. Tuy nhiên sự ham đọc sách đã thúc đẩy các em tìm sách từ nơi khác để đọc, có đến 66% các em trường THCS Quỳnh Lâm đã thường xuyên mượn sách của bạn bè, người thân để thỏa mãn mong muốn đọc sách của mình.


Nguồn sách đọc của các em học sinh Tiểu học Diêm Điền và THCS Quỳnh Lâm

Ngoài các yếu tố về nơi đọc sách, thời gian đọc sách, nguồn sách thì câu hỏi về thể loại sách các em đọc cũng được đề cập. Hầu hết sách các em lựa chọn để đọc là sách phổ biển kiến thức để tìm hiểu về cuộc sống, các sách tham khảo để nâng cao kiến thức học tập, sách truyện để giải trí và mở rộng tâm hồn. Sự lựa chọn cho cả ba loại này tương đối đồng đều vào khoảng xấp xỉ 60% đối với cả hai trường, tuy nhiên các em trường Tiểu học Diêm Điền quan tâm nhiều hơn tới các sách phổ biến kiến thức có lẽ là do các em tuổi còn nhỏ mọi thứ trong cuộc sống đều mới mẻ và muốn tìm hiểu khám phá, cũng có thể do sách của các em do cha mẹ và nhà trường cung cấp nên ảnh hưởng nhiều từ sự lựa chọn của gia đình và thầy cô, trong khi đó các em trường THCS Quỳnh Lâm lại thiên về đọc truyện hơn phần vì các em đã lớn, phần vì đa phần sách các em đọc là đi mượn trong đó tỷ lệ mượn từ bạn bè, người thân là rất cao nên mượn được sách nào đọc sách đó. Một số sách khác các sách nuôi dưỡng tâm hồn hay sách tâm lý lứa tuổi ít được các em đọc (<10%) có lẽ vì các em chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với các loại sách này chứ không phải vì các em không thích.


Thể loại sách thường đọc của các em học sinh Tiểu học Diêm Điền và THCS Quỳnh Lâm

Như vậy qua cách các em đọc sách có thể thấy rằng dù ở hình thức nào, thư viện mini hay tủ sách phụ huynh thì việc đưa sách đến các lớp cũng tạo điều kiện cho các em được gần gũi với sách hơn thúc đẩy hình thành thói quen đọc sách của các em sau này.

3.      Em có mong ước gì?
Bên cạnh những câu hỏi chính về tình hình đọc sách của các em thì còn một câu hỏi mở để các em thể hiện mong ước của mình với sách và với chương trình Sách cho nông thôn. Một điều dễ hiểu là phần lớn các em đều có mong ước có nhiều sách hơn và nhiều loại sách hơn để đọc, do hiện nay số đầu sách ở các tủ sách trường Tiểu học Diêm Điền và THCS Quỳnh Lâm đều chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của các em. Một mong muốn nổi bật nữa của các em đó là mong được mượn sách dài ngày hơn nữa, có lẽ thời gian mượn ngắn làm cho các em phải đọc vội vàng nên có phần tiếc nuối một cuốn sách hay.

Ngoài việc mong nhiều sách chung chung, các em trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền còn mong muốn rất cụ thể, như em Lê Đức Mạnh, lớp 3A chia sẻ: "Em muốn có nhiều sách hơn về thiên nhiên và xã hội". Em Bùi Thành Đạt thì lại mong có nhiều sách tham khảo và sách phổ biến kiến thức hơn. EmNguyễn Thị Mai vì muốn tìm hiểu và mở rộng kiến thức về lịch sử nên thích có nhiều sách lịch sử xuất hiện trong thư viện. Còn em Đặng Thái Sơn mong mọi người đều thích đọc sách để hiểu biết nhiều hơn và mở mang kiến thức

Không chỉ mong muốn cho bản thân có sách đọc mà em Vũ Thị Biên Thùy, lớp 5B còn muốn việc đọc sách phổ biến rộng rãi ở mọi nơi, đặc biệt là vùng nông thôn hay ước muốn trẻ em trên toàn thế giới đều có sách để đọc như em Nguyễn Duy Hoàng Anh,  lớp 3A.
Một số sách được nhiều em muốn có trong tủ sách lớp học đó là:
·         Từ điển Anh - Việt
·         10 vạn câu hỏi vì sao
·         Đô rê mon
·         Truyện ngụ ngôn
·         Truyện cổ tích
·         Truyện trinh thám
·         Sách về thiên nhiêu, cây cối, động vật
·         Sách về danh nhân thế giới
·         Sách về lịch sử
·         Sách về các mẹo vặt trong cuộc sống
·         Sách về kỹ năng sống

Các sách về tâm lý, về nông thôn hay sách về công nghiệp cũng được một số em đề cập trong danh mục sách yêu thích.
Có thể thấy rằng đúng như các em nhận định sách là người bạn thân chia sẻ vui buồn, bạn đồng hành đem đến cho các em kiến thức, niềm tin và ước mơ để các em tự tin bước vào đời.
 „Cho em được gần Sách thêm chút nữa"!
 


Chi tiết xem thêm tại: http://sividuc.org/news/Sach-va-nhung-nguoi-ban/Doc-sach-hien-trang-va-uoc-mo-15510.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét